Trong một nghiên cứu đăng tải mới đây trên tạp chí “Biological Conservation” (Bảo tồn sinh vật), các chuyên gia môi trường Mỹ và Trung Quốc cảnh báo khả năng sụt giảm đáng kể số lượng loài gấu trúc lớn Ailuropoda melanoleuca.
Biến đổi khí hậu được coi là nguyên nhân chính làm giảm số lượng quần thể động vật nói chung và loài gấu trúc Ailuropoda melanoleuca nói riêng.
Theo dự đoán của các chuyên gia, đến năm 2070, số lượng gấu trúc lớn có thể sẽ giảm đi một nửa.
Cho đến thời điểm hiện tại, ước tính diện tích sống của loài vật này bị thu hẹp từ 52,9% đến 71%. Những "vùng lãnh thổ" còn lại của loài vật này ở khoảng cách rất xa nhau nên dễ dẫn đến tình trạng tiếp tục làm giảm đáng kể số lượng loài gấu trúc trong tương lai.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên một mô hình đặc biệt. Theo đó, mô hình này dự tính khả năng nhiệt độ trung bình của Trái Đất tăng thêm 1 độ C vào năm 2100, cũng như tính đến tốc độ xây dựng các thành phố và đường giao thông tại các khu vực tự nhiên vốn là nơi cư trú của gấu trúc ở Trung Quốc – một yếu tố dẫn đến việc chặt tre làm giảm đáng kể nguồn thức ăn cơ bản của gấu trúc.
Gấu trúc lớn là biểu tượng của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) và cũng là biểu tượng quốc gia không chính thức của Trung Quốc. Tuy nhiên, loài vật này hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất cao./.