Số lượng động vật hoang dã giảm hơn một nửa trong 40 năm qua

Theo một cuộc khảo sát do WWF tiến hành, số lượng động vật hoang dã đã giảm hơn một nửa trong 40 năm qua trong khi dân số Trái Đất tăng gần gấp đôi.
Một con hươu đực trưởng thành gầm rống tại công viên động vật hoang dã Schorfheide gần Gross Schoenebeck, phía tây Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Số lượng động vật hoang dã đã giảm hơn một nửa trong 40 năm qua trong khi dân số Trái Đất tăng gần gấp đôi.

Đây là kết luận của cuộc khảo sát hơn 3.000 loài động vật có xương sống, do Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) tiến hành và công bố ngày 29/9.

Theo báo cáo của WWF, từ năm 1970-2010, số lượng các loài động vật sống trên cạn và dưới biển giảm 39%, trong khi các loài nước ngọt giảm 76%.

Suy từ những con số này, hiện số lượng động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư và cá trên khắp hành tinh, trung bình chỉ bằng một nửa so với cách đây 40 năm.

WWF cũng cảnh báo tỷ lệ giảm 52% số lượng động vật hoang dã chứng tỏ loài người đang tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên lớn hơn mức được bổ sung.

Tổng Giám đốc WWF Marco Lambertini nêu rõ với việc tận dụng quá mức hệ sinh thái như vậy, con người đang hủy hoại chính tương lai của mình.

Cũng theo báo cáo trên, trong khi sản lượng nông nghiệp trên mỗi hécta tăng nhờ kỹ thuật canh tác và tưới tiêu tốt hơn, sự bùng nổ dân số lại làm khả năng sinh học tính theo đầu người và đất canh tác giảm.

Dân số trên Trái Đất đã tăng vọt từ 3,7 tỷ người lên gần 7 tỷ trong khoảng thời gian từ 1970-2010; dự kiến sẽ đạt 9,6 tỷ vào năm 2050 và 11 tỷ vào năm 2100.

Cuộc khảo sát cũng làm nổi bật sự khác biệt giữa các quốc gia và khu vực trong việc sử dụng tài nguyên cũng như thiệt hại về đa dạng sinh học. Theo đó, những nước có thu nhập thấp sử dụng tài nguyên ít nhất, nhưng chịu thiệt hại về hệ sinh thái lớn nhất.

Số động vật hoang dã giảm nhiều nhất ở vùng nhiệt đới với 56% so với 36% ở các khu vực ôn đới. Mỹ Latinh chịu thiệt hại lớn nhất với tổng mức suy giảm lên tới 83%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục