Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến

Mặc dù các công ty công nghệ lớn tiếp tục cắt giảm việc làm, nhưng thị trường lao động của Mỹ vẫn ổn định do các nhà tuyển dụng nhìn chung không muốn sa thải công nhân.
Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến ảnh 1Bảng thông báo thuê nhân viên tại một nhà hàng ở Arlington, bang Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Lao động Mỹ ngày 16/3 công bố thống kê cho thấy số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tại nước này trong tuần trước đã giảm mạnh hơn dự kiến.

Điều đó cho thấy thị trường lao động tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, bất chấp tình trạng hỗn loạn của thị trường tài chính sau vụ sụp đổ của hai ngân hàng khu vực.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần tính đến ngày 11/3 đã giảm 20.000 đơn, xuống mức 192.000 đơn, thấp hơn mức dự báo 205.000 đơn mà các nhà kinh tế đưa ra trước đó trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Anh).

Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trung bình trong 4 tuần, chỉ số ổn định hơn so với dữ liệu hàng tuần, cũng giảm xuống còn 196.500 đơn.

Mặc dù các công ty công nghệ lớn tiếp tục cắt giảm việc làm, nhưng thị trường lao động của Mỹ vẫn ổn định do các nhà tuyển dụng nhìn chung không muốn sa thải công nhân sau khi chật vật tìm lao động trong thời kỳ đại dịch COVID-19. 

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cũng cho thấy số lượng yêu cầu tiếp tục được trợ cấp thất nghiệp sau một tuần nhận trợ cấp - chỉ số đại diện cho việc tuyển dụng - đã giảm 29.000 đơn, xuống còn 1,68 triệu đơn trong tuần tính đến ngày 4/3.

[Mỹ: Số lượng việc làm bị cắt giảm đạt mức cao nhất từ năm 2009]

Số lượng yêu cầu tiếp tục được trợ cấp thất nghiệp ở mức thấp cho thấy một số lao động bị sa thải đã có thể dễ dàng tìm được việc làm mới.

Việc thị trường lao động tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với 1,9 cơ hội việc làm cho mỗi người thất nghiệp trong tháng 1, đi đôi với lạm phát vẫn ở mức cao khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tuần tới.

Tuy nhiên, việc 2 ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Ngân hàng Signature (SB) tại Mỹ tuyên bố phá sản đang làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng lan rộng trong lĩnh vực ngân hàng, gây tổn hại cho thị trường chứng khoán và phủ bóng lên triển vọng của nền kinh tế Mỹ.

Theo công cụ FedWatch của nhà cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thị trường kỳ hạn lớn nhất nước Mỹ CME Group, các thị trường tài chính đang dao động giữa việc Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm với việc tạm dừng chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ trong cuộc họp ngày 21-22/3 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục