Xuất khẩu tháng 11/2024 của Trung Quốc tăng chậm lại và nhập khẩu giảm trong bối cảnh năm tới nước này có thể đối mặt nhiều thách thức thương mại.
Theo số liệu công bố ngày 10/12 của Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu tháng 11/2024 tăng 6,7%, thấp hơn mức dự báo tăng 8,5% và mức tăng 12,7% trong tháng 10.
Trong khi đó, nhập khẩu giảm 3,9%, mức thấp nhất trong 9 tháng và trái ngược với dự báo của giới phân tích là tăng 0,3%. Điều này càng gây thêm sức ép kích thích lên giới chức Trung Quốc, đẩy nhu cầu trong nước lên cao.
Trước đó, ngày 9/12, Trung Quốc cho biết sẽ quay lại chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý” lần đầu tiên sau 14 năm để hỗ trợ nền kinh tế.
Nhà kinh tế học cấp cao Xu Tianchen tại bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro EIU thuộc Tập đoàn The Economist nhận định: "Nhu cầu toàn cầu không mạnh. Số liệu từ các nền kinh tế xuất khẩu khác cũng cho thấy sự chậm lại". Ông cho biết các nước đã tăng mua hàng trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức tháng tới. Tuy nhiên, tác động hoàn chỉnh lên số liệu sẽ xuất hiện vào các tháng sau.
Ông Trump gần đây đe dọa áp thuế bổ sung 10% với hàng hóa từ Trung Quốc khi ông trở lại Nhà Trắng. So với thuế nhập khẩu ông Trump áp lên Trung Quốc trong nhiệm kỳ 1, đợt thuế sắp tới được đánh giá sẽ tác động lớn hơn.
Xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng của Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế gần đây chậm lại và niềm tin tiêu dùng-kinh doanh đi xuống do khủng hoảng bất động sản kéo dài.
Tuy vậy, kinh tế nước này vài tháng qua có tín hiệu lạc quan hơn, sau khi giới chức đưa ra hàng loạt chính sách kích thích kể từ cuối tháng 9. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) đã hạ lãi suất và nhiều lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) cho các ngân hàng./.
Triển vọng phục hồi kinh tế Trung Quốc năm 2025: Nhiều biến số khó lường
Triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2025 được dự báo kém lạc quan hơn với tốc độ tăng trưởng GDP có thể giảm xuống còn 4% do nguy cơ Mỹ áp đặt lại thuế quan dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.