Số liệu ca mắc mới tại TP.HCM những ngày qua "rất đáng lo ngại"

Theo Phó ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch TP.HCM, số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày trên địa bàn thành phố vẫn còn cao, bên cạnh đó, số bệnh nhân nặng đang thở máy vẫn ở mức cao và ngày càng tăng.
Số liệu ca mắc mới tại TP.HCM những ngày qua "rất đáng lo ngại" ảnh 1Đoàn hỗ trợ của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng tại một bệnh viện dã chiến ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Nhiều vấn đề về công tác phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh được dư luận quan tâm như việc ngừng kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage…, năng lực giường bệnh đảm bảo điều trị cùng lúc có số ca nhiễm lớn, kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong thời gian chống dịch… đã được thông tin tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều tối 18/11.

Số bệnh nhân COVID-19 nặng đang ở mức cao

Về việc Thành phố Hồ Chí Minh vừa cho phép hoạt động nhưng lại thay đổi quyết định, tạm ngừng các dịch vụ karaoke, massage, vũ trường, spa... trong 2 ngày, Phó ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho hay, tất cả chính sách do thành phố đưa ra đều nhằm phục vụ người dân, tạo điều kiện rất tốt cho người dân và doanh nghiệp hoạt động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp khó lường những ngày vừa qua, thành phố chỉ có thể thực sự mở cửa các dịch vụ khi xác định an toàn; an toàn đến đâu, mở đến đó.

[Bí thư Thành ủy TP.HCM: Số thống kê ca nhiễm COVID-19 thấp hơn thực tế]

Do đó, đối với những loại hình kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ cao như karaoke, vũ trường…, thành phố quyết định tạm dừng cho đến khi Sở Y tế thành phố tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố xem xét, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 cho các loại hình kinh doanh, dịch vụ này.

Lý giải rõ hơn, ông Phạm Đức Hải cho biết, số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày trên địa bàn thành phố vẫn còn cao, có ngày hơn 1.400 ca. Bên cạnh đó, số bệnh nhân nặng đang thở máy vẫn ở mức cao và ngày càng tăng.

Cụ thể, ngày 14/11 có 258 ca, đến ngày 17/11 tăng lên 302 ca. Ngoài ra, số ca nhập viện những ngày gần đây luôn cao hơn số ca xuất viện, như ngày 14/11 có 1.150 ca nhập viện, 713 ca xuất viện, đến ngày 16/11 có đến 1.421 ca nhập viện nhưng chỉ có 838 ca xuất viện.

Tương tự, số ca tử vong chưa giảm, thậm chí có chiều hướng tăng; vào ngày 14/11 chỉ có 22 ca tử vong nhưng đến ngày 17/11 có đến 42 ca.

"Những số liệu này rất đáng lo ngại. Thành phố mong người dân, doanh nghiệp đồng cảm, chia sẻ với quyết định rất khó khăn này. Chúng ta vì mục đích chung là bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân và bảo vệ kết quả phòng chống dịch thời gian qua," ông Phạm Đức Hải nêu rõ.

Thành phố có thể đáp ứng được 120.000 giường bệnh cùng lúc

Về ngưỡng đáp ứng trong việc điều trị người mắc COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh và tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tối đa mà thành phố có thể chấp nhận trong điều kiện hiện tại, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu chung của thành phố là phải duy trì được thành quả chống dịch trong thời gian qua, đồng thời kéo giảm ca nhập viện, tử vong. Với tinh thần đó, Sở Y tế đã cùng các sở, ngành họp bàn các giải pháp, xây dựng kịch bản cụ thể.

Số liệu ca mắc mới tại TP.HCM những ngày qua "rất đáng lo ngại" ảnh 2Các y, bác sỹ Bệnh viện hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh thăm, khám điều bệnh nhân COVID-19 nặng. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

“Theo tính toán, hiện thành phố có hơn 9.000 bác sỹ và trên 19.600 điều dưỡng đã tham gia chống dịch trong thời gian qua và có kinh nghiệm nên thuần thục xử lý mọi tình huống. Bên cạnh đó, với số giường bệnh, giường có trang bị bình oxy và hệ thống giường khu vực hồi sức (ICU), thành phố có thể đáp ứng được trên 120.000 ca nhiễm nhập viện tại cùng 1 thời điểm. Thành phố đã xây dựng 7 kịch bản cho từng bước và sẽ có thông tin cụ thể sau khi được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố thông qua,” bà Mai cho hay.

Về việc có một số trường hợp người dân phản ánh đăng ký gói thuốc C điều trị COVID-19 nhưng trạm y tế thông báo hết trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, đây là loại thuốc kháng virus đang được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, không phải người mắc COVID-19 nào cũng có thể sử dụng.

Để được sử dụng thuốc, bệnh nhân phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể như: có triệu chứng nhẹ, người từ 18-65 tuổi, không mắc bệnh nền, không bị bệnh lý về gan, thận; phụ nữ có thai, đang cho con bú và phụ nữ dự kiến có con trong 6 tháng không được sử dụng…

Vừa qua, Sở Y tế thành phố đã có văn bản chấn chỉnh về việc cấp thuốc cho các bệnh nhân COVID-19 tại nhà. Thời gian tới, Sở sẽ báo cáo Bộ Y tế và xin cấp thêm 100.000 gói thuốc C để dự trù cho trường hợp số người mắc COVID-19 gia tăng.

Liên quan đến thông tin phản ánh nhiều người nhiễm, nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà nhưng không tuân thủ cách ly và di chuyển ra khỏi nơi cư trú, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm cho biết, thời gian qua, HCDC có ghi nhận việc một số địa phương vì thiếu nhân sự nên linh động để người mắc COVID-19 đến một địa điểm nào đó để nhận các gói thuốc điều trị. Sự việc này xảy ra khoảng một tuần trước đây và đã được khắc phục.

“Sau khi nhận thông tin, HCDC đã nhắc nhở, báo cáo Sở Y tế thành phố. Đây là việc không được làm bởi đã vi phạm quy định cách ly của thành phố với người mắc COVID-19,” ông Nguyễn Hồng Tâm nói.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, nhiều người dân nghĩ rằng Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện chủ trương “sống chung với người mắc COVID-19,” nhưng trên thực tế, việc mà thành phố đang thực hiện là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Điều này không đồng nghĩa với việc người mắc bệnh và người không mắc bệnh sinh hoạt cùng nhau.

Quy trình hiện tại của thành phố là không chỉ người mắc COVID-19 mà những người sống cùng nhà cũng phải cách ly. Nếu người dân phát hiện người mắc COVID-19 di chuyển ra khỏi nơi cách ly thì phải lập tức báo cho các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Đẩy mạnh thực hiện bình ổn giá cả cho các mặt hàng thiết yếu

Liên quan đến việc nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, hiện nay các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tươi sống tại các siêu thị nhìn chung vẫn ổn định giá cả, tuy nhiên cũng có một số mặt hàng tăng giá như xăng dầu, gas…

Số liệu ca mắc mới tại TP.HCM những ngày qua "rất đáng lo ngại" ảnh 3Người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh mua sắm sản phẩm. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, giá cả các mặt hàng này đang có sự biến động trên toàn thế giới nên việc tăng giá trong nước là hệ quả tất yếu. Bên cạnh đó, việc chi phí phòng, chống dịch và chi phí vận chuyển tại một số doanh nghiệp đang tăng cũng là yếu tố khiến một số mặt hàng tăng giá.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho hay, hiện nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố bắt đầu phục hồi sản xuất, do đó hàng hóa sẽ được cung cấp đầy đủ cho thị trường. Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã lên kế hoạch thực hiện những chương trình kích cầu, khuyến mãi, kết nối hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bình ổn giá trong thời gian tới.

Đặc biệt, Sở sẽ kiến nghị Bộ Công Thương sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để bình ổn giá cả, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thành phố.

Về việc cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bán đồ uống có cồn, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, rút kinh nghiệm từ việc thí điểm cho phép bán đồ uống có cồn tại chỗ tại Quận 7 và thành phố Thủ Đức, ngày 16/11, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản số 818 cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở những địa bàn có cấp độ dịch 1 và 2 được bán đồ uống có cồn.

Những địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp 3, các cơ sở được phục vụ ăn, uống tại chỗ không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; không được bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn.

Địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp 4, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi, không phục vụ ăn, uống tại chỗ. Ủy ban Nhân dân các quận, huyện quản lý. Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động thí điểm đến hết ngày 30/11, thời gian hoạt động kết thúc trước 22 giờ hàng ngày.

Cũng tại cuộc họp, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua, Sở đã có tờ trình Ủy ban Nhân dân thành phố về dự thảo tổ chức học lại trực tiếp cho học sinh trên địa bàn.

Sáng 19/11, Sở sẽ có báo cáo chi tiết cho lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về kế hoạch tổ chức dạy-học. Tuy nhiên, ngành, đối tượng nào được đi học trực tiếp phải được lãnh đạo thành phố xem xét và có quyết định cụ thể. Do đó, hiện nay chưa xác định được ngày và đối tượng học sinh cụ thể nào sẽ được đi học trực tiếp trở lại./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục