Số liệu báo động về tình trạng trẻ sơ sinh chết non trên toàn cầu

Theo Liên hợp quốc, trong năm 2021, khoảng 5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong, trong đó 1,9 triệu trẻ sơ sinh chết non và mỗi ngày, "có quá nhiều bậc cha mẹ phải đối mặt với nỗi đau mất con."
Số liệu báo động về tình trạng trẻ sơ sinh chết non trên toàn cầu ảnh 1Nhân viên y tế chăm sóc em bé sơ sinh tại Trung Quốc. (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 10/1, Liên hợp quốc cho biết ước tính có khoảng 5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong và 2,1 triệu trẻ em và thanh thiếu niên khác từ 5-24 tuổi qua đời trong năm 2021.

Trong một báo cáo khác được công bố cùng ngày, Liên hợp quốc cho biết 1,9 triệu trẻ sơ sinh chết non trong cùng năm này.

Trong thông cáo báo chí, Giám đốc Bộ phận phân tích dữ liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Vidhya Ganesh cho biết: "Mỗi ngày, có quá nhiều bậc cha mẹ phải đối mặt với nỗi đau mất con, đôi khi ngay cả khi đứa trẻ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Thảm kịch như vậy không bao giờ được coi là điều không thể tránh được."

Bà Ganessh nhấn mạnh các nước có thể đạt được tiến bộ trong vấn đề này nếu có quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn và tăng cường đầu tư có mục tiêu vào việc tiếp cận công bằng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho mọi phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy một số kết quả tích cực với nguy cơ tử vong thấp hơn ở mọi lứa tuổi trên toàn cầu kể từ năm 2000. Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu đã giảm một nửa kể từ đầu thế kỷ này, trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên giảm 36%, và tỷ lệ thai chết lưu giảm 35%.

Tiến bộ này đạt được có thể là nhờ hệ thống y tế cơ bản đã được đẩy mạnh để mang lại lợi ích cho phụ nữ, trẻ em và thanh thiếu niên. Mặc dù vậy, tiến bộ này đã giảm đáng kể từ năm 2010 và 54 quốc gia sẽ không đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững về giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

[UNICEF hỗ trợ nhân rộng các can thiệp cứu sống trẻ sơ sinh ở Việt Nam]

Các cơ quan của Liên hợp quốc cảnh báo nếu không hành động nhanh chóng để cải thiện các dịch vụ y tế, gần 59 triệu trẻ em và thanh thiếu niên sẽ tử vong trước năm 2030 và gần 16 triệu trẻ sơ sinh sẽ bị chết non.

Các báo cáo cho thấy trẻ em tiếp tục đối mặt với các cơ hội sống sót rất khác nhau tùy thuộc vào nơi các em chào đời, trong đó trẻ sinh ra tại khu vực châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara và Nam Á có cơ hội sống sót thấp nhất.

Cụ thể, trong năm 2021, khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Sahara chỉ ghi nhận 29% ca sinh nở trên toàn cầu, nhưng lại chiếm tới 56% trong tổng số ca tử vong trên toàn cầu ở trẻ dưới 5 tuổi, trong khi khu vực Nam Á chiếm 26%.

Trẻ em sinh ra ở khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Sahara có nguy cơ tử vong ở trẻ cao nhất thế giới - cao gấp 15 lần so với ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Các bà mẹ ở hai khu vực này cũng phải chịu đựng nỗi đau mất con do thai chết lưu với tỷ lệ lên tới 77% trong tổng số ca thai chết lưu trong năm 2021 xảy ra ở khu vực phía Nam sa mạc Saharan và Nam Á, trong đó khu vực châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara chiếm gần một nửa.

Các báo cáo cho thấy nguy cơ một phụ nữ có thai nhi chết lưu hoặc trẻ chết non ở khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Saharan cao gấp 7 lần so với ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Trong khi đó, việc tiếp cận và sự sẵn sàng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng tiếp tục là vấn đề sống còn đối với trẻ em trên toàn cầu. Hầu hết các ca tử vong ở trẻ em xảy ra trong 5 năm đầu tiên, trong đó một nửa là trong tháng đầu tiên sau khi trẻ chào đời.

Sinh non và gặp các biến chứng trong quá trình chuyển dạ của thai phụ là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh.

Số liệu báo động về tình trạng trẻ sơ sinh chết non trên toàn cầu ảnh 2Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tương tự, hơn 40% trường hợp trẻ tử vong ngay khi sinh xảy ra trong quá trình chuyển dạ, với hầu hết trong số các ca này có thể phòng ngừa được nếu phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc chất lượng trong suốt thai kỳ và khi sinh.

Theo các báo cáo, đối với những trẻ sống sót sau 28 ngày đầu tiên kể từ khi chào đời, các bệnh truyền nhiễm như viêm phổi, tiêu chảy và sốt rét là mối đe dọa lớn nhất.

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 không trực tiếp làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em - đối tượng có khả năng tử vong vì căn bệnh này thấp hơn so với người trưởng thành, song có thể làm tăng nguy cơ đe dọa sự sống còn của các em trong tương lai.

Đặc biệt, các báo cáo nêu bật những lo ngại về tình trạng gián đoạn các chiến dịch tiêm chủng khác cũng như dịch vụ cung cấp chất dinh dưỡng và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và hạnh phúc của trẻ trong nhiều năm tới.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến tỷ lệ bao phủ vaccine toàn cầu giảm nhiều nhất trong 3 thập niên qua, khiến cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất là trẻ sơ sinh và trẻ em có nguy cơ tử vong cao hơn do các bệnh vốn có thể phòng ngừa được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục