Sơ kết NQ-TW 6 tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Ngày 5/5,Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X).

Ngày 5/5, tại Hà Nội, Đoàn công tác Trung ương Ban Chỉ đạo sơ kết Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) do Giáo sư, tiến sĩ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo làm Trưởng đoàn công tác làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ đã tổ chức quán triệt cũng như triển khai cụ thể hóa nghị quyết bằng các chính sách đối với lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.


500.000 lao động làm việc tại nước ngoài

Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, hệ thống Luật pháp, chính sách về lao động, người có công và xã hội đã ban hành đồng bộ, kịp thời thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội với nhận thức mới, tư duy mới phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với sự công bằng và tiến bộ xã hội và hội nhập quốc tế…

Kết quả, trong khu vực doanh nghiệp chính sách tiền lương, tiền công đã từng bước được điều chỉnh theo nguyên tắc thị trường, hình thành trên cơ sở thỏa thuận. Cụ thể, mở rộng quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc quyết định tiền lương, hình thức trả lương trên cơ sở bảo đảm gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, hài hòa giữa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.

Bên cạnh đó, Nhà nước ban hành mức lương tối thiểu để bảo vệ người lao động đồng thời là cơ sở để người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận các mức tiền lương khác đối với từng vị trí công việc, bảo đảm mức lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013, tiền lương bình quân trong doanh nghiệp dân doanh tăng khoảng 13%/năm, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng khoảng 10%/năm; khu vực nhà nước tăng khoảng 15%; tạo việc làm cho trên 4.601 nghìn người trên cả nước, đạt 57,52% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm (2011-2015) theo Nghị quyết Đại hội Đảng XI đề ra.

Cũng trong 3 năm, cả nước đã đưa được trên 256 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 56,9% kế hoạch 5 năm, đưa tổng số lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài (trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ) lên khoảng 500.000 người. Hầu hết lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được người sử dụng lao động tín nhiệm và đánh giá cao nên có việc làm với thu nhập khá cao, ổn định (trong đó có những lao động đạt mức tiền lương và thu nhập lên tới vài chục triệu đồng một tháng như ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản…). Hiện nay, mỗi năm người lao động gửi về cho gia đình khoảng 1,6-2 tỷ đôla Mỹ.

Quý I năm 2014, cả nước đã tạo việc làm cho 346.277 người; trong đó tạo việc làm trong nước cho 323.000 người, xuất khẩu lao động 23.277 người.

Gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội

Báo cáo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng nhấn mạnh, giai đoạn năm 2008 đến năm 2013, Bộ đã trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định phê duyệt các Chương trình, Dự án lớn liên quan đến giảm nghèo…

Từ nguồn lực đầu tư của các chính sách, chương trình, dự án, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% cuối năm 2010 xuống còn 7,8% cuối năm 2013, giảm bình quân 2%/năm.

Theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương đến cuối năm 2013 có 96% số xã, phường cả nước được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công, 97% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Công tác trợ giúp xã hội tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp, với mức trợ cấp xã hội được điều chỉnh phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Đến cuối năm 2013 có khoảng 2,6 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên, tăng hơn 2 lần so với cuối năm 2010. Hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội tiếp tục được phát triển, với quy mô nuôi dưỡng đối tượng tập trung trên 42 nghìn người.

Đáng chú ý, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đã được mở rộng, số lao động được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cuối năm 2013 tăng 13,5% so với cuối năm 2010, đạt 10,9 triệu người; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 2,3 lần, đạt trên 173,5 nghìn người.

Bảo hiểm thất nghiệp được triển khai từ năm 2009, đến cuối năm 2013 có gần 9 triệu người tham gia. Trong 3 năm (2011-2013) có trên 1.291 nghìn người lao động đăng ký thất nghiệp, trên 1.165 nghìn người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng, trên 955 nghìn người được tư vấn giới thiệu việc làm mới.

Các quyền và môi trường sống của trẻ em được thực hiện ngày càng đầy đủ, rộng rãi hơn; trẻ em khó khăn và có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm, chăm sóc tốt hơn và nhanh chóng hòa nhập cộng đồng đồng thời chính sách về bình đẳng giới đã được tổ chức thực hiện đồng bộ trên tất cả các hoạt động trong đời sống xã hội và đạt được nhiều sự tiến bộ.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vương Đình Huệ đánh đánh giá cao các ý kiến phát biểu từ các cục, vụ, viện thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Đây là tư liệu cơ bản để phục vụ sơ kết đồng thời là cơ sở để Ban Chỉ đạo kiến nghị tới Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục