Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường cùng với thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trước tình hình đó, các nhà khoa học đã tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp ứng phó. Trong số này, công nghệ số đang được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu cho cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái hiện nay.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã trao đổi với ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng-Bộ Khoa học và Công nghệ), một trong những đơn vị đi đầu trong nghiên cứu, triển khai công nghệ chống hàng giả hiện nay về những giải pháp công nghệ số chống hàng giả.
- Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia đã nghiên cứu triển khai những công cụ hỗ trợ gì về công nghệ nhằm tháo gỡ khó khăn cho lực lượng chức năng và doanh nghiệp trong cuộc chiến chống hàng giả, thưa ông?
Ông Bùi Bá Chính: Hiện nay, Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia đang được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ giao là đơn vị đầu mối thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Triển khai, Áp dụng và Quản lý Hệ thống Truy xuất nguồn gốc.
Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị cung cấp giải pháp, xây dựng phương án, trong đó trọng tâm là xây dựng Cổng Thông tin Truy xuất Nguồn gốc Sản phẩm Hàng hóa Quốc gia.
Đây được coi là một cổng kết nối các hệ thống quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc, hướng tới kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc trên toàn thế giới để sản phẩm hàng hóa lưu hành tại nội địa cũng như xuất khẩu có những thông tin minh bạch nhất về nguồn gốc xuất xứ.
Truy xuất nguồn gốc hướng tới hai hoạt động chính. Thứ nhất là số hóa các thông tin hình thành nên sản phẩm hàng hóa; thứ hai là minh bạch các chuỗi thông tin đó.
Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc quá trình số hóa và minh bạch thông tin, xuất nguồn gốc sẽ là công cụ hữu hiệu để cả hệ thống chính trị lẫn cộng đồng xã hội và người tiêu cùng tham gia giám sát về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Xác thực hàng chính hãng, giải pháp giúp đẩy lùi hàng giả và hàng nhái
Cổng Thông tin Truy xuất Nguồn gốc Sản phẩm Hàng hóa Quốc gia đóng vai trò trung tâm kết nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc độc lập.
Khi người tiêu dùng quét, Cổng sẽ liên kết tất cả các dữ liệu truy xuất nguồn gốc độc lập lại với nhau và cung cấp cho người tiêu dùng một bức tranh về sản phẩm từ khi sản phẩm được sản xuất đến khâu vận chuyển tới tay người tiêu dùng.
Cổng Thông tin Truy xuất Nguồn gốc Sản phẩm Hàng hóa Quốc gia đã được nghiệm thu từ tháng 11/2022. Về mặt kỹ thuật và dữ liệu, Cổng kết nối với hai địa phương Yên Bái và Sóc Trăng. Trong thời gian tới, Cổng sẽ kết nối thêm với sáu tỉnh, thành phố khác.
Hiện tại, Cổng đang có cơ sở dữ liệu của hơn 4.000 sản phẩm, hầu hết là thực phẩm, thực phẩm chức năng. Người dân có thể thực hiện thao tác quét mã trên Cổng để ra thông tin sản phẩm.
- Ông có thể cho biết việc định danh sản phẩm thông qua công cụ mã số, mã vạch đã được Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia đưa ra cho người tiêu dùng và doanh nghiệp như thế nào?
Ông Bùi Bá Chính: Với chức năng, nhiệm vụ được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ giao, đến thời điểm này, Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia đã thực hiện việc cấp khoảng 70.000 đầu mã doanh nghiệp.
Sau khi được cấp đầu mã này, các doanh nghiệp chủ động sinh ra các mã thương phẩm của sản phẩm kinh doanh.
Hiện tại, cơ sở dữ liệu quốc gia đã có trên dưới 1 triệu chủng loại sản phẩm đã được cấp mã. Mỗi sản phẩm khi được đưa lên kệ ở siêu thị, các trang thương mại điện tử đều là các sản phẩm cuối chuỗi.
Nếu chúng ta áp dụng các công cụ về mã số, mã vạch và các công cụ định danh tương tự khác trong quá trình hình thành nên sản phẩm, quá trình số hóa của cả chuỗi sản phẩm sẽ được thực hiện đầy đủ và dễ dàng hơn.
Sau khi thông tin số hóa sản phẩm được đưa lên Cổng Thông tin Truy xuất Nguồn gốc Sản phẩm Hàng hóa Quốc gia, các hệ thống của Bộ, ngành, địa phương và các trang thương mại điện tử khác, việc thực hiện minh bạch các thông tin sản phẩm hàng hóa sẽ được các cơ quan chức năng cũng như người dân dễ dàng truy cập.
Do đó, việc số hóa và minh bạch thông tin thực sự là một công cụ hữu hiệu để chống lại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
- Để bảo vệ các sản phẩm hàng hóa Việt Nam trước hàng giả, hàng nhái bằng các giải pháp công nghệ, ông có khuyến nghị gì về chính sách pháp luật cho người tiêu dùng và doanh nghiệp?
Ông Bùi Bá Chính: Nếu chúng ta tích cực thực hiện quá trình số hóa và minh bạch thông tin, đây sẽ là một trong những giải pháp căn cơ, lâu dài và bền vững nhất để doanh nghiệp chống lại nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia tham mưu về mặt kỹ thuật đối với xây dựng các chính sách số hóa và minh bạch thông tin sản phẩm hàng hóa; từ đó, tạo ra môi trường tích cực cho các đơn vị cung cấp giải pháp, giúp người dân truy cập dễ dàng với thông tin kiểm chứng chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử, kinh doanh online đang ngày càng phát triển và có xu hướng lấn át các hệ thống phân phối truyền thống khác.
Để hạn chế thiệt hại với hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, không có cách nào khác, người tiêu dùng cần trang bị thêm kiến thức để lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thông tin càng dễ truy cập, càng minh bạch và dễ kiểm chứng, xác suất thiệt hại từ hàng giả, nhái, kém chất lượng càng thấp.
Với tư cách là đơn vị tư vấn, tham mưu về chính sách, chúng tôi cập nhật hàng ngày thông tin từ cuộc sống, tham mưu những phương thức giúp thông tin sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp ngày càng được tiếp cận dễ dàng.
Doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc số hóa để bảo vệ thương hiệu của chính mình. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng khác và cộng đồng người tiêu dùng cùng chung tay trong cuộc chiến chống hàng giả.
- Trân trọng cảm ơn ông./.