Sở GTVT Hà Nội nói gì về việc ‘nhét thêm’ bến xe sát đường vành đai 3?

Bến xe Yên Sở chỉ là bến xe “trung hạn”, nhưng lại không xác định được thời gian khi nào bến xe này điều chuyển ra bến xe Thanh Trì (vành đai 4) theo quy hoạch.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, bến xe Yên Sở chỉ là bến xe “trung hạn”, nhưng lại không xác định được thời gian khi nào bến xe này điều chuyển ra bến xe Thanh Trì (vành đai 4) theo quy hoạch.

“Đến một thời điểm nào đó, khi chuyển bến xe khách ra khỏi vành đai 4, bến xe Yên Sở sẽ là bến xe trung chuyển và có thể thành bãi đỗ xe của người dân,” ông Tuấn nói.

- Lý do gì thành phố Hà Nội lại quyết định xây dựng bến xe Yên Sở trong khi theo quy hoạch đã có bến xe phía Nam nằm ở ngoài đường vành đai 4, thưa ông?

Ông Ngô Mạnh Tuấn: Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, cửa ngõ phía Nam Hà Nội sẽ có 2 bến xe lớn là Ngọc Hồi và Yên Sở, thay thế bến Giáp Bát và Nước Ngầm.

[Hà Nội 'nhồi' bến xe sát vành đai 3: Quy hoạch đi ngược với thế giới]

Trong đó, bến xe Yên Sở được xác định là điểm nhấn góp phần giải tỏa ách tắc giao thông trong giai đoạn trung hạn, cần sớm hoàn thành.

Tại Đồ án quy hoạch bến bãi đỗ xe do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Viện Quy hoạch xây dựng lập, đang được thẩm định, bến xe Yên Sở tiếp tục được quy hoạch là bến xe khách liên tỉnh trung hạn, với chức năng hỗ trợ, giảm tải cho bến xe Giáp Bát, Gia Lâm.

Sau khi bến xe Yên Sở làm xong, Sở Giao thông Vận tải sẽ giảm bớt lượng xe của và Giáp Bát Gia Lâm sang bến Yên Sở, đảm bảo cho các xe không đi vào các tuyến đường trung tâm thành phố để giảm ùn tắc giao thông.

Hiện tại, đường vành đai 3-Pháp Vân-đường Quốc lộ 1 rất ùn tắc và cần phải phối hợp để giảm ùn tắc. Việc xây dựng bến xe Yên Sở là đảm bảo cần thiết để giảm lưu lượng xe vào trong nội đô, giảm được ùn tắc giao thông tuyến đường vành đai 3.

- Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, bến Yên sở là bến Trung hạn, nhưng lại được cấp phép hoạt động 50 năm. Ông có thể cho biết cụ thể thời giai hoạt động của bến xe này?

Ông Ngô Mạnh Tuấn: Việc triển khai thực hiện bến xe này trên tinh thần, sau khi có các bến xe ở phía ngoài vành đai 4 được triển khai thực hiện thì sẽ lại chuyển tiếp các bến xe này ra theo đúng quy hoạch bến xe phía Nam ở vành đai 4.

Tuy nhiên, hiện tại bến xe ngoài vành đai 4 chưa đươc triển khai thực hiện do tuyến đường vành đai 4 chưa được tổ chức xây dựng và thành phố đang kêu gọi xúc tiến đầu tư.

Thời gian tồn tại của bến xe Yên Sở phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ của vành đai 4 và bến xe phía Nam. Khi được điều chuyển, bến xe Yên Sở sẽ trở thành bến xe trung chuyển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố.

Bến xe phải thuận tiện đường giao thông và phụ thuộc việc trung chuyển hành khách. Do đó, việc triển khai bến xe Yên Sở tại vị trí sát vành đai 3 là đảm bảo.

- Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng việc đặt bến xe Yên Sở tại đây do chỉ nằm trên đường gom vành đai 3 (đường một chiều) và giao cắt lại chủ yếu là các hầm chui nên sẽ rất khó tổ chức cho giao thông ra vào bến xe?

Ông Ngô Mạnh Tuấn: Khi bến xe Yên Sở đi vào hoạt động, Sở Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu tổng thể để đảm bảo tổ chức giao thông cho phù hợp như mở rộng một số làn đường và giải phân cách; triển khai thực hiện tuyến đường 70 và đường Tam Trinh cũng đang chuẩn bị nghiên cứu đầu tư… sau đó căn cứ vào tình hình cụ thể tổ chức phân luồng đảm bảo tổ chức giao thông tốt hơn.

Hơn nữa, Hà Nội đang thực hiện một số dự án nhỏ về cải tạo sửa chữa khu vực Yên Sở. Sau khi cải tạo sửa chữa xong, Sở Giao thông Vận tải sẽ triển khai tổ chức giao thông toàn bộ lại khu vực vành đai 3.

[Bốn bến xe lớn nhất Hà Nội sẽ trở thành bãi đỗ xe từ sau năm 2020]

Còn nút giao Pháp Vân-vành đai 3, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản trả lời sẽ không làm theo kiến nghị dùng vốn dư BOT của dự án cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ và thành phố Hà Nội sẽ làm. Tuy nhiên, kinh phí của thành phố sẽ không có đủ như Bộ Giao thông Vận tải đề xuất nên phải làm từng đoạn để tránh ùn tắc giao thông.

- Bến xe Yên Sở hiện nay cũng nằm ngay khu đô thị thành phố và ngay bên cạnh công viên và các chung cư cao tầng. Vậy, quy hoạch vị trí bến xe Yên Sở nằm như vậy có hợp lý không, thưa ông?

Ông Ngô Mạnh Tuấn: Hiện tại, bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm vẫn hoạt động bình thường, xây thêm bến xe Yên Sở là để giảm tải lưu lượng xe phân bớt lưu lượng xe vào bến Yên Sở, trên cơ sở bố trí phân tuyến cho phù hợp.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang thực hiện theo đúng lộ trình. Đến một thời điểm nào đấy khi chuyển bến xe khách ra khỏi vành đai 4, bến xe Yên Sở sẽ là bến xe chung chuyển và có thể thành bãi đỗ xe của người dân.

Hiện tại, Hà Nội đang kêu gọi xúc tiến đầu tư bến xe ngoài vành đai 4 vì ngân sách Nhà nước hạn hẹp…

Bến xe trở thành chung cư, cao ốc? (Nguồn: VNEWS)

- Xin cảm ơn ông./.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đặt ra nghi vấn, bến xe Yên Sở dù có trong quy hoạch nhưng thấy bất hợp lý vì thành phố có chủ trương chuyển các bến xe ra vành đai 4. Tại sao Hà Nội còn để lại Yên Sở và để lại đến bao giờ?

“Bến xe Yên Sở chỉ hơn 3ha với quy mô nhỏ lại là bến xe tạm, sao không làm mới bến xe phía Nam rồi chuyển một thể. Tôi đọc Tờ trình của thành phố cho bến xe Yên Sở được xác định là bến xe chuyển tiếp điều chuyển các bến xe là đã không đồng tình,” ông Thanh bày tỏ quan điểm.

Theo ông Thanh, nếu để bến xe Yên Sở thì sẽ không có ai đầu tư vào bến xe phía Nam vành đai 4. Do vậy, Hà Nội cần nói rõ năm 2030 là chuyển toàn bộ bến xe ra vành đai 4 là phải chuyển tất và công khai để người dân biết, lấy ý kiến. 

“Thành phố phải công khai, minh bạch thời gian bến xe Yên Sở chuyển cùng với các bến xe ngoài vành đai 3 chứ giờ cứ tù mù, không ai chấp nhận, người ta bức xúc…,” ông Thanh cho hay.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục