Giá vé xe buýt Hà Nội được điều chỉnh tới đây đã dựa trên phù hợp với khả năng chi trả của người dân đồng thời giảm bớt gánh nặng hỗ trợ từ ngân sách, tạo điều kiện đầu tư đổi mới phương tiện; chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh.
Các yếu tố đầu vào tăng, giá vé phải điều chỉnh
Từ ngày 1/11/2024, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có quyết định tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, giá vé xe buýt Hà Nội cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng/lượt; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/lượt; từ 25km đến dưới 30km tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng/lượt; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng/lượt và từ 40km trở lên tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt.
Theo ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội, hiện nay số lượt đi lại của hành khách sử dụng vé tháng chiếm trên 80% tổng sản lượng khách đi xe buýt ở Hà Nội. Chính sách miễn phí và hỗ trợ khuyến khích đối với các đối tượng sử dụng dịch vụ bằng xe buýt hiện nay là tương đối phù hợp, đã có chính sách khuyến khích đến hầu hết các nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đối tượng người có công, người khuyết tật, nhân khẩu hộ nghèo, học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp và mua vé tháng theo hình thức tập thể.
Phương án tăng giá vé xe buýt có trợ giá tại Hà Nội từ đầu tháng Mười Một
Từ ngày 1/11, giá vé xe buýt Hà Nội cự ly dưới 15 km có mức mới là 8.000 đồng/lượt; từ 15 km đến dưới 25 km tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng; từ 25 km đến dưới 30 km tăng 4.000 đồng/lượt...
Ông Long cũng nhìn nhận cơ cấu vé và giá vé hiện nay chưa phù hợp với sự phát triển của mạng lưới tuyến. Tại thời điểm điều chỉnh giá vé năm 2014 mạng lưới tuyến có 72 tuyến và nhánh tuyến chưa phủ rộng khắp 30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội, tuyến có cự ly dài nhất là 49,9km. Đến nay tại sau 9 năm thì mạng lưới các tuyến buýt có 132 tuyến phủ rộng khắp 30/30 quận, huyện, thị xã, tuyến cự ly dài nhất 61,05 km.
“Giá vé hiện nay của các tuyến có cự ly từ 30-60km có mức giá như nhau là chưa phù hợp với cự ly di chuyển của hành khách,” ông Long đánh giá.
Mặt khác, sau 10 năm, các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tiền lương… đều tăng; chi phí hoạt động vận tải công cộng tăng 50%.
Cụ thể, đơn giá bình quân cho xe buýt chạy bằng dầu diesel áp dụng từ năm 2017 là 16.308 đồng/km, tăng 2.125 đồng/km (tương đương 15%) so với năm 2014. Theo đơn giá mới (tại Quyết định số 5573/QĐ-UBND ngày 2/11/2023 của thành phố Hà Nội), đơn giá vận hành bình quân cho xe buýt chạy bằng dầu diesel là 21.080 đồng/km (tăng 30,9%). Bên cạnh đó, đơn giá vận hành bình quân 1km cho các loại hình xe buýt năng lượng sạch cũng cao hơn so với loại buýt diesel.
Trong khi đó, thu nhập bình quân của người Hà Nội năm 2022 khoảng 8,4 triệu đồng, tăng 75% so với năm 2014. Theo tính toán, chi phí đi lại chiếm khoảng 10% tổng thu nhập, tương ứng mỗi người chi 800.000 đồng/tháng nên việc điều chỉnh giá vé xe buýt hiện nay là phù hợp và không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân.
“Giá vé xe buýt hiện nay được đánh giá là tương đối thấp với khả năng chi trả cho đi lại của người dân kể cả người lao động có thu nhập thấp, do vậy việc xây dựng lại cơ cấu vé và giá vé xe buýt là phù hợp ,” ông Long nói.
Giảm trợ giá, đổi mới đầu tư đoàn phương tiện
Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy giai đoạn 2015-2019, ngân sách thành phố Hà Nội trợ giá cho xe buýt trung bình 1.371,8 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2020-2022 trợ giá trung bình 2.230,49 tỷ đồng/năm (riêng năm 2022 trợ giá là 2.958 tỷ đồng/năm); dự kiến năm 2023 trợ giá 2.754 tỷ đồng.
Theo số liệu thực hiện 3 năm (từ 2020-2022) chi phí bình quân chi cho hoạt động xe buýt là 2.455,25 tỷ đồng/năm, bình quân doanh thu đạt 396,38 tỷ đồng/năm (bằng 15,1% tổng chi phí), bình quân trợ giá của Nhà nước cho xe buýt là 2.085,24 tỷ đồng, chiếm 84,9% chi phí hàng năm.
Đánh giá khi phương án này được áp dụng vào thực tế sẽ tác động không lớn đến hành khách, đặc biệt là khách vãng lai đi lại không thường xuyên sử dụng vé lượt, ông Long cho hay mặc dù sản lượng giảm nhẹ nhưng sẽ dần hồi phục, doanh thu tăng thêm, thời điểm năm 2014 khi điều chỉnh giá vé thì sản lượng tem vé tháng giảm 3% còn doanh thu lại tăng 15%, sản lượng vé lượt giảm 13% nhưng doanh thu lại tăng 20% so với tháng trước điều chỉnh.
“Doanh thu dự kiến tăng thêm sau khi thực hiện phương án cơ cấu giá vé và điều chỉnh giá vé tăng 296,9 tỷ đồng (tăng 52% so với năm 2023) tạo điều kiện đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho xe buýt, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng vùng phục vụ để người dân lựa chọn phương tiện xe buýt cho nhu cầu đi lại trên địa bàn thành phố nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân,” ông Long nói.
Hà Nội, TP.HCM đưa kịch bản chuyển đổi sang buýt điện, năng lượng xanh
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng lộ trình, triển khai các giải pháp và điều kiện cần thiết nhằm chuyển đổi xe buýt sang chạy bằng điện, năng lượng xanh.
Ngoài ra, giá vé buýt tăng sẽ đảm bảo chi trợ giá của ngân sách thành phố cho xe buýt ở mức hợp lý, từng bước giảm bớt gánh nặng hỗ trợ từ ngân sách nhưng nhưng phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân; tạo điều kiện đầu tư đổi mới phương tiện; chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh.
Là đơn vị chủ lực vận hành buýt của Hà Nội, ông Ngô Xuân Phú, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết thành phố đã cân nhắc tình hình kinh tế-xã hội chung, thu nhập và khả năng chi trả của hành khách để đi đến quyết định tăng giá vé xe buýt.
“Về bản chất, trợ giá vận tải hành khách công cộng là trợ giá người đi xe buýt. Chính sách này đa số các nước trên thế giới đều áp dụng tại các đô thị để hút hành khách sử dụng vận tải công cộng, hạn chế xe cá nhân. Người dân chi trả thêm về phần tăng giá vé thì ngân sách thành phố sẽ giảm trợ giá,” ông Phú nói.
Trước việc tăng giá vé thì chất lượng dịch vụ buýt có điều chỉnh tương xứng, phía Transerco khẳng định không phải tăng giá vé buýt mới nâng cao chất lượng dịch vụ mà đây là hoạt động thường xuyên liên tục xác định khách hàng là yếu tố sống còn của hoạt động xe buýt.
“Transeco đã triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đoàn phương tiện, thường xuyên tổ chức chương trình đào tạo, tập huấn, các đợt thi đua nhằm nâng cao ý thức thái độ, kỹ năng phục vụ hành khách của đội ngũ công nhân lái xe, nhân viên bán vé; thực hiện chi trả lương cho đội ngũ lao động trực tiếp gắn với chất lượng dịch vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ gia tăng tiện ích cho hành khách,” ông Phú nhấn mạnh./.