Sở Giao thông TP.HCM đề xuất thay đổi cách tính trợ giá xe buýt

Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, ngày 20/11, Trung tâm hoàn tất ký hợp đồng với các hợp tác xã vận tải công công; ứng 100% kinh phí 6 tháng đầu năm để duy trì hoạt động.
Sở Giao thông TP.HCM đề xuất thay đổi cách tính trợ giá xe buýt ảnh 1(Ảnh: Ngọc Thuận/TTXVN)

Ngày 20/11, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Trung tâm đã hoàn tất ký hợp đồng với các hợp tác xã vận tải công công ở thành phố; đồng thời, Trung tâm đã ứng 100% kinh phí 6 tháng đầu năm cho các doanh nghiệp ký hợp đồng để duy trì các hoạt động.

Việc trên liên quan đến công văn mới đây của các Hợp tác xã Vận tải hành khách công cộng Thành phố kiến nghị gửi lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và các sở, ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh về nguy cơ nhiều xã viên có thể phá sản vì nợ nần, tiền trợ giá thấp, chưa ký hợp đồng.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải cũng đã trình Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung dự toán chi phí ngân sách trợ giá xe buýt 2018 và đã được đồng ý về chủ trương.

Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Tài chính chủ trì làm việc với các sở, ngành liên quan để rà soát đơn giá đầu tư xe buýt mới, việc giao khoán sản lượng, đảm bảo tính đúng, tính đủ cho các doanh nghiệp.

Theo ông Trung, việc giao khoán sản lượng không chỉ thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông Vận tải mà còn có sự thẩm định của Sở Tài chính.

Khi tính toán để giao vốn, Sở Tài chính thẩm định và đưa ra mức khoán sản lượng trung bình là 45,16 hành khách/chuyến. Trong khi thực tế vận chuyển hành khách năm 2017 chỉ đạt 37,13 hành khách/chuyến.

Mức chênh lệch giữa kế hoạch để giao vốn và thực tế là 21,63%. Đây là lý do khiến các doanh nghiệp không đồng ý và yêu cầu giảm mức chênh lệch này xuống.

Về lâu dài, vấn đề mấu chốt là thay đổi “Bộ đơn giá định mức” mới về trợ giá xe buýt. Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải đã thống nhất và trình Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt trong tháng 11 này.

Từ đầu năm 2019 sẽ bắt đầu áp dụng thay thế Bộ định mức cũ. Còn chuyện sản lượng tăng kỳ vọng sẽ tiếp tục bàn bạc, nhưng tinh thần là đưa ra sản lượng tăng hợp lý, không áp đặt duy ý chí tạo áp lực cho doanh nghiệp, ông Trần Chí Trung cho hay.

[Trạm BOT Cai Lậy sắp được phép thu phí trở lại, xem xét giảm mức phí]

Ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải Thành phố cho biết, đã báo cáo Sở Giao thông Vận tải về việc bắt đầu cắt bớt một số tuyến buýt hoạt động không hiệu quả từ ngày 15/10 vừa qua. Do nhiều xã viên chịu cảnh nợ nần, phải cầm cố nhà cửa, nếu càng tiếp tục chạy càng lỗ nặng thêm.

Theo ông Hải, hiện có khoảng 30% số tuyến, doanh thu bán vé và trợ giá chỉ đủ trả tiền nhiên liệu, tiền lương cho lái xe, tiếp viên bán vé. Các chi phí khác như lãi và nợ gốc vay ngân hàng, chi phí bến bãi, chi phí bảo trì, bảo dưỡng xe, chi phí sửa xe, chi phí lương cho bộ phận điều hành kiểm soát và nhân viên quản lý…

Cụ thể, tuyến xe buýt số 14 của Liên Hợp tác xã Vận tải Thành phố, doanh thu bán vé một năm khoảng 10,188 tỷ đồng nhưng riêng tiền lương và khấu hao phải trả khoảng 16,606 tỷ đồng/năm, tức Hợp tác xã lỗ 6,418 tỷ đồng/năm.

Tương tự, tuyến buýt số 33 của Hợp tác xã Vận tải 19/5 có sản lượng bình quân đạt 59,5 khách/chuyến, giờ cao điểm khoảng 90 hành khách/chuyến. Doanh thu bán vé một năm khoảng 27,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, riêng chi phí duy trì hoạt động tuyến chưa tính khấu hao đã khoảng 42,7 tỷ đồng/năm, tức Hợp tác xã lỗ 15,3 tỷ đồng; ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải 19/5 cho biết như vậy.

Theo ông Phùng Đăng Hải, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đang tính lại cách trợ giá cho các Hợp tác xã để phù hợp với thực tế hơn.

Cách tính trợ giá hiện nay là kiểu cào bằng, xe cũ và xe mới đều giống nhau, tính chung một công thức sẽ không công bằng. Hơn nữa, chuyến xe buýt chở nhiều trợ giá ít mà chở ít sẽ được trợ giá nhiều. Sản lượng ít hay nhiều vẫn được trợ giá, nhiều tuyến chạy doanh thu thấp nhưng trợ giá vẫn cao. Chính vì vậy không khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, dẫn đến họ ỷ lại.

Do đó, Thành phố cần phải có cơ chế khuyến khích những chuyến sản lượng nhiều được trợ giá nhiều, sản lượng ít được trợ giá ít.

Những tuyến không có hiệu quả có thể bỏ luôn để tinh gọn lại mạng lưới xe buýt; đồng thời, kiến nghị Thành phố sớm phê duyệt Bộ định mức kinh tế kỹ thuật và phương pháp xác định đơn giá chi phí trong hoạt động xe buýt mới, ông Phùng Đăng Hải đề xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục