Chiều 25/9, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết đối với chương trình Sữa học đường, có hiểu nhầm rằng chương trình thực hiện bắt buộc, trong khi thực tế việc này hoàn toàn là tự nguyện nên phụ huynh học sinh có thể đăng ký nếu có nhu cầu.
Theo chương trình Sữa học đường, về định mức thụ hưởng, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.
Tổng số trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học của 3 năm học khoảng 1.541.833 trẻ mẫu giáo và 2.364.832 học sinh tiểu học. Số trẻ thụ hưởng thực tế được điều chỉnh cụ thể trong các năm triển khai thực hiện Đề án.
Mức giá 1 hộp sữa dự kiến tối đa là 6.800 đồng/hộp (180ml), không tăng giá từ năm học 2018 đến hết năm 2020.
Sữa dùng trong chương trình là sữa tươi tiệt trùng, có đường hoặc không đường, bảo đảm các điều kiện theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Theo chương trình "Sữa học đường," ngân sách sẽ hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Đối với học sinh diện nghèo, cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, việc triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.
[Sở Giáo dục Hà Nội cam kết đảm bảo về chất lượng Sữa học đường]
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, khi tham gia chương trình Sữa học đường, học sinh sẽ uống sữa tại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo có cơ chế để bảo đảm việc học sinh uống sữa.
Học sinh có thể mang vỏ sữa về nhà để phụ huynh kiểm tra thành phần in trên hộp sữa, chủng loại sữa. Các nhà sản xuất khi cung cấp phải bảo đảm chất lượng và phụ huynh có quyền kiểm tra sữa này.
Mục tiêu chương trình Sữa học đường là phấn đấu đến năm 2020 có 100% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng và trên 90% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học trên toàn thành phố được uống sữa theo chương trình Sữa học đường, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học xuống dưới 5,5% và tăng chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi từ 1,5 đến 2cm so với năm 2010.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã ký ban hành Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020.
Nghị quyết này đã được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 5/7/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2018.
Đối tượng áp dụng của nghị quyết này là trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội và phụ huynh của các đối tượng này tham gia đề án sữa học đường. Thời gian thụ hưởng là theo năm học, từ năm học 2018-2019 đến hết năm 2020./.