Ngày 10/2, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thuộc Liên hợp quốc cho biết số lượng đơn đăng ký cấp bằng sáng chế quốc tế đã tăng kỷ lục trong năm 2021, cho thấy nỗ lực đổi mới, sáng tạo không bị cản trở do đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo thường niên của WIPO, có 277.500 đơn đăng ký bằng sáng chế được nộp trong năm 2021, tăng 0,9% so với một năm trước đó và đánh dấu năm tăng thứ 12 liên tiếp.
Tổng Giám đốc WIPO, ông Daren Tang, nhận định những con số này cho thấy sự đổi mới và tinh thần khởi nghiệp vẫn được thúc đẩy mạnh mẽ bất chấp những gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với giai đoạn thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, khi số đơn đăng ký bằng sáng chế giảm mạnh.
Báo cáo của WIPO cho biết trong năm vừa qua, Trung Quốc tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thế giới với 69.540 đơn đăng ký bằng sáng chế, tăng 0,9% so với năm 2020. Mỹ vẫn ở vị trí thứ hai với 59.570 đơn, tiếp đến là Nhật Bản với 50.260 đơn, Hàn Quốc với 20.678 đơn và Đức với 17.322 đơn.
Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế là vào năm 2020, với số lượng đơn đăng ký tăng 16% so với năm 2019, .
[Trung Quốc vượt Mỹ đứng đầu thế giới về số đơn đăng ký bằng sáng chế]
Báo cáo của WIPO cũng cho thấy số đăng ký bằng sáng chế của châu Á trong năm 2021 chiếm 54,1% tổng lượng đơn trên toàn thế giới, tăng từ mức 38,5% của một thập kỷ trước đó.
Năm vừa qua cũng đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu với 6.952 đơn đăng ký sáng chế quốc tế. Tiếp theo là công ty viễn thông Qualcomm Inc của Mỹ với 3.931 đơn, công ty điện tử Samsung của Hàn Quốc với 3.041 đơn, công ty LG Electronics với 2.855 đơn, và công ty Mitsubishi Electric của Nhật Bản với 2.673 đơn.
Công nghệ máy tính chiếm phần lớn số đơn đăng ký sáng chế quốc tế được công bố (9,9%), tiếp đến là công nghệ truyền thông kỹ thuật số và công nghệ y tế. Lĩnh vực dược phẩm ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất về lượng đơn đăng ký (tăng 12,8%), theo sau là công nghệ sinh học (tăng 9,5%)./.