Số doanh nghiệp vỡ nợ ở Pháp tăng lên mức kỷ lục

Có khoảng 66.420 doanh nghiệp Pháp rơi vào tình trạng vỡ nợ trong năm 2024, một mức độ chưa từng thấy ngay cả khi trong thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Số doanh nghiệp Pháp vỡ nợ trong năm 2024 vượt mức kỷ lục, ảnh hưởng đến 260.000 việc làm. (Nguồn: economiematin)

Dữ liệu do báo Les Echos cung cấp cho thấy, khoảng 66.420 công ty Pháp đã rơi vào tình trạng vỡ nợ trong năm 2024, làm ảnh hưởng đến khoảng 260.000 việc làm. Đáng chú ý, con số kỷ lục này có thể bị vượt qua trong năm 2025.

Giám đốc nghiên cứu kinh tế của Hiệp hội ngân hàng nhân dân và quỹ tín dụng Pháp (BPCE), Alain Tordjman, đánh giá năm 2024 là năm tồi tệ nhất được thấy kể từ năm 2010, xét về thất bại trong kinh doanh.

Theo số liệu tạm thời của tổ chức này, có khoảng 66.420 doanh nghiệp Pháp rơi vào tình trạng vỡ nợ trong năm 2024, một mức độ chưa từng thấy ngay cả khi trong thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Đáng lo ngại hơn, theo nhận định của BPCE, làn sóng thất bại trong giới doanh nghiệp Pháp sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2025.

Nhìn lại quá khứ, từ năm 2010-2015, số doanh nghiệp phá sản hàng năm tại Pháp chỉ ở mức hơn 60.000 doanh nghiệp mỗi năm và cao nhất là 63.760 trường hợp trong năm 2015. Sau thời điểm này, xu hướng bắt đầu giảm.

Giai đoạn 2020-2022, sau khi đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát, số vụ vỡ nợ doanh nghiệp của Pháp đã giảm xuống mức thấp nhất nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ. Nhưng nếu không các khoản hỗ trợ đó, “rất ít thất bại có thể tránh được,” nhất là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo nhận định của một số chuyên gia.

Thống kê của BPCE cho thấy, có tổng cộng 5.265 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp đã phải thực hiện thủ tục vỡ nợ trong năm 2024, cao hơn 51% so với năm 2019. Hệ lụy là khoảng 260.000 việc làm bị đe dọa bởi các thủ tục phá sản trong năm 2024, tương tự như năm 2023.

Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp phá sản đều sẽ biến mất. Trên thực tế, thất bại không nhất thiết đồng nghĩa với việc công ty bị khai tử. Ví dụ, công ty Thổ Nhĩ Kỳ Migiboy Tekstil đã mua lại thương hiệu quần áo may sẵn Naf Naf vào tháng 6/2024 nhờ vậy đã duy trì việc làm cho 521 nhân viên.

Năm 2024, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải đối mặt với những khó khăn chồng chất: lãi suất cao, nhu cầu yếu vì “phần lớn tăng trưởng kinh tế đến từ ngoại thương và nhu cầu công vốn chủ yếu mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp lớn,” chuyên gia Tordjman nhận định.

Trong khi đó, chi phí sản xuất tiếp tục tăng, dẫn đến việc trả các khoản vay được nhà nước bảo lãnh (PGE) được cấp trong thời kỳ đại dịch trở thành gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp.

Xét theo ngành, xây dựng và bất động sản là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất do gánh nặng chi phí tín dụng tăng cao. Các hoạt động dịch vụ vận tải, kho bãi và kinh doanh cũng chiếm số đông trong danh sách những doanh nghiệp vỡ nợ.

Ngược lại, “tình trạng vỡ nợ gia tăng không liên quan nhiều đến những doanh nghiệp mới thành lập gần đây,” nhà kinh tế học tại BPCE, Julien Laugier, nhấn mạnh. Năm 2024, các công ty được thành lập cách đây chưa đầy ba năm chỉ chiếm 18% trong số những doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Thực tế là trong tình hình kinh tế suy thoái, chịu tác động không nhỏ bởi sự bất ổn chính trị ở Pháp và môi trường quốc tế không thuận lợi, hy vọng cải thiện trong những tháng tới là rất thấp.

Ngược lại, năm 2025 có thể sẽ đáng quan ngại hơn năm 2024 xét về mặt mất khả năng thanh toán. Theo BPCE, trong thời gian gần đây, số hồ sơ phá sản của các doanh nghiệp nhỏ của Pháp một lần nữa lại tăng nhanh.Trong bối cảnh như vậy, dự báo sẽ có khoảng 68.000 vụ vỡ nợ trong năm 2025, tăng thêm 2% so với năm 2024. Khoảng 240.000 việc làm sẽ bị ảnh hưởng. Đáng tiếc là xu hướng giảm sẽ không thể xảy ra trước cuối năm 2025, hoặc thậm chí là đầu năm 2026./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục