Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, quý 1/2023, trên địa bàn tỉnh có 305 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 18% về số lượng và giảm 58% về vốn so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế đến nay, tỉnh có 11.664 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn đăng ký hơn 198.510 tỷ đồng, đóng góp của khu vực này vào GRDP tỉnh khoảng 28%.
Mặt khác, tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký 5 tỷ đồng, giảm 80% so cùng kỳ, thu hồi chủ trương đầu tư 17 dự án trên đảo Phú Quốc.
[Kiên Giang hướng tới điểm đến hấp dẫn nhất vùng KT trọng điểm ĐBSCL]
Đến nay, tỉnh đã thu hút 759 dự án, với quy mô hơn 31.860ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 594.626 tỷ đồng.
Quý 1/2023, hoạt động của doanh nghiệp nhiều khó khăn, doanh nghiệp đăng ký mới giảm về số lượng và vốn đăng ký so với quý 1/2022.
Trong thực hiện phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, so với cùng kỳ, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động trở lại giảm 11%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động tăng 42%.
Lãnh đạo Sở Công Thương Kiên Giang cho biết hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong những tháng đầu năm nay chịu sự ảnh hưởng biến động kinh tế thế giới, tình trạng lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách siết chặt tiền tệ, lãi suất tại nhiều nước, giá nguyên liệu, nhiêu liệu tăng cao… làm giảm nhu cầu hàng hóa, gây khó khăn cho sản xuất và xuất khẩu trong nước; trong đó, có Kiên Giang.
Cùng với đó, tổng cầu trong và ngoài nước suy giảm đã tác động đến số lượng đơn hàng và quy mô đơn hàng sụt giảm nên ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, một số sản phẩm khó khăn về thị trường tiêu thụ dẫn đến sản phẩm sụt giảm.
Tiếp đến, sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất và đầu tư; nguyên liệu, vật liệu kham hiếm, giá cả tăng cao, nhất là nguyên liệu phục vụ cho chế biến thủy sản nên một số doanh nghiệp không cung ứng được theo đơn hàng theo yêu cầu, dẫn đến mất khách hàng. Doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, lãi suất ngân hàng tăng cao và cùng với chính sách siết chặt tín dụng gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Năm 2022, tỉnh có 1.872 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 42% về số lượng so với năm 2021, góp phần đưa Kiên Giang đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long về số lượng doanh nghiệp.
Bà Ngô Kiều Quyên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, chia sẻ để tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch, tỉnh chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu. Tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nhất là thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất.
Nhờ vậy, góp phần cho GRDP năm 2022 của tỉnh đạt trên 68.430 tỷ đồng, vượt 16,64% so với kế hoạch và tăng 7,7% so với năm 2021, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây và nằm trong top 30 tỉnh, thành có tốc độ phát triển kinh tế cao của cả nước.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác phát triển thương mại, triển khai nhiều giải pháp thu hút, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm đầu tư vào tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng cường đối thoại trực tiếp để lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, qua đó kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Tỉnh yêu cầu các hội, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong việc phản ánh các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, chủ động nghiên cứu, góp ý các cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp tích cực tham gia các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, chú trọng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, chủ động tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh và các hoạt động an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo công ăn việc làm cho người lao động./.