Số ca tử vong trực tiếp hoặc gián tiếp do làn sóng lây nhiễm thứ nhất dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại 21 nước phát triển hồi đầu năm nay có thể vượt trung bình 20% so với thống kê chính thức của chính phủ.
Đây là kết quả nghiên cứu, do trường Đại học Hoàng gia London tiến hành, công bố ngày 14/10.
Theo nghiên cứu trên, trong giai đoạn từ giữa tháng 2 đến tháng 5, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận thêm 206.000 ca tử vong so với khi không xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, chỉ có 167.148 trường hợp được xác định là do nhiễm virus SARS-CoV-2.
[Dịch COVID-19 đến 8h ngày 14/10: Thế giới có gần 38,35 triệu ca mắc]
Nhiều người trong số khoảng 40.000 ca còn lại tử vong do mắc COVID-19 song không được thống kê. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do ở giai đoạn đầu, các bệnh viện tại một số nước trong tình trạng quá tải, nên không thể tiến hành xét nghiệm một cách có hệ thống.
Nhiều người cũng đã tử vong do dịch COVID-19 gây gián đoạn tới việc chăm sóc sức khỏe như bỏ lỡ phác đồ điều trị bệnh ung thư, hay không được đưa đi cấp cứu kịp thời sau khi bị đột quỵ hoặc tai nạn.
Nghiên cứu cũng cho thấy số ca tử vong do tất cả các nguyên nhân trong giai đoạn nghiên cứu kéo dài 15 tuần đã tăng mạnh ở nhiều nước và khu vực khảo sát.
Theo đó, tỷ lệ tử vong cao nhất được ghi nhận tại Tây Ban Nha và xứ England và Wales của Anh, cao hơn 37% so với khi không xảy ra đại dịch. Riêng số người tử vong tại Tây Ban Nha, xứ England, Wales (Anh) và Italy chiếm 3/4 tổng số người tử vong.
Trong khi đó, các nước không ghi nhận số ca tử vong gia tăng vào mùa Xuân gồm Bulgaria, New Zealand, Slovakia, Australia, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan.
Hơn 206.000 ca tử vong này gần như chia đều cho nam giới và nữ giới. Kết quả nghiên cứu này gần như trái ngược với tỷ lệ tử vong được ghi nhận tại các bệnh viện, nơi tỷ lệ tử vong là nam giới chiếm cao hơn.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng khẳng định việc đưa ra số ca tử vong trong giai đoạn bùng phát đại dịch là rất khó./.