Số ca mắc Hội chứng sốc độc liên cầu khuẩn (STSS) tại Nhật Bản từ đầu năm đến nay đã vượt quá 1.000 ca.
Đây là căn bệnh có thể gây tử vong do nhiễm một loại liên cầu khuẩn được gọi là vi khuẩn "ăn thịt người."
Theo số liệu thống kê sơ bộ được Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản (NIID) công bố ngày 18/6, tính từ đầu năm 2024 đến ngày 9/6, số ca mắc STSS ở nước này đã lên tới 1.019.
Con số này tăng đáng kể so với những năm trước, phản ánh tình trạng lây lan căn bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm này đang diễn biến phức tạp hơn.
STSS, còn được gọi là nhiễm liên cầu khuẩn xâm lấn nghiêm trọng, là bệnh khởi phát đột ngột chủ yếu do "Liên cầu khuẩn nhóm A" gây ra.
Các triệu chứng ban đầu thường thấy là đau họng, sốt, chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa và các vấn đề về đường tiêu hóa khác, cũng như các triệu chứng nhiễm trùng như huyết áp thấp.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tổn thương mô mềm, suy hô hấp, suy gan, suy thận và suy đa tạng, với tỷ lệ tử vong trên 30%.
Tốc độ lây lan STSS tại Nhật Bản đã nhanh hơn đáng kể trong năm nay. Tính đến ngày 2/6, tổng số ca mắc được báo cáo là 977 ca, vượt tổng số 941 ca trong cả năm 2023.
Theo báo cáo hằng tuần của NIID, trong tuần từ ngày 3-9/6, thủ đô Tokyo ghi nhận số ca mắc cao nhất trong năm nay, với 150 ca.
STSS chủ yếu lây qua các giọt bắn từ niêm mạc mũi hoặc họng và qua tiếp xúc với vết thương. Các chuyên gia cảnh báo rằng các triệu chứng ban đầu của bệnh nhiễm vi khuẩn này dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, do bệnh tiến triển nhanh.
Nếu người bệnh có các triệu chứng như sốt cao kèm theo mê sảng hoặc vết thương tấy đỏ nhanh chóng thì cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến cáo những người có các triệu chứng nghiêm trọng này cần đến các cơ sở chăm sóc y tế ngay lập tức, tránh để bệnh quá nặng có thể đe dọa tính mạng./.
Các ca nhiễm liên cầu khuẩn tăng lên mức cao kỷ lục tại Nhật Bản
Số người nhiễm liên cầu khuẩn ở Nhật Bản đã vượt tổng số ca nhiễm của cả năm 2023 (941), vốn là năm có số người nhiễm cao nhất kể từ khi báo cáo được quy định bắt buộc từ năm 1999.