Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận tính đến sáng 15/3, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 152.428 trường hợp.
Theo người phát ngôn WHO Fadela Chaib, trong số này có 5.720 trường hợp tử vong và tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ có ca mắc bệnh đã lên tới 141.
Giới chức Iran ngày 15/3 thông báo đã ghi nhận thêm 113 ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại đây lên 724 trường hợp. Đây cũng là số ca tử vong cao nhất trong một ngày tại nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trên mạng xã hội Twitter, cố vấn Bộ Y tế Iran Alireza Vahabzadeh xác nhận trong 24 giờ qua, Iran đã ghi nhận thêm 1.209 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 13.938 trường hợp.
Phát biểu tại hội nghị, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour đã khuyến cáo người dân nên hủy các chuyến đi và ở nhà cho đến khi tình hình cải thiện trong những ngày tới.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, lục quân Iran đã bắt đầu các cuộc diễn tập nhằm ngăn chặn cũng như theo dõi sự bùng phát của dịch COVID-19.
Theo Lục quân Iran, các cuộc diễn tập sẽ được tiến hành dưới sự chỉ huy và giám sát của Phó Tư lệnh Lục quân Iran Habibollah Sayyari.
Các đơn vị trên bộ thuộc Lục quân Iran sẽ đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống đại dịch nguy hiểm này với sự chỉ huy của Chuẩn tướng Kioumars Heydari.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà chức trách Iran cũng đã quyết định thay đổi thời gian tổ chức cuộc bầu cử quốc hội vòng hai.
Người phát ngôn Hội đồng Giám hộ Iran Abbas Ali Kadkhodaei cho biết cuộc bầu cử vòng hai - vốn dự kiến diễn ra vào ngày 17/4 tới - sẽ được lui lại đến ngày 11/9 tới.
[COVID-19: WHO hoài nghi cách tiếp cận của Anh trong xử lý dịch bệnh]
Ngày 15/3, Uzbekistan đã xác nhận trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên tại nước này, sau khi một công dân nam vừa trở về từ Pháp cho kết quả dương tính với virus.
Cơ quan Vệ sinh và Giám sát dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Uzbekistan khẳng định đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự lây lan của virus tại quốc gia Trung Á này.
Nhà chức trách đang nỗ lực tìm kiếm những hành khách trên cùng chuyến bay với bệnh nhân từ Paris (Pháp) về Tashkent này, cũng như những người có tiếp xúc để tiến hành theo dõi y tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, tối 15/3, Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho biết nước này đã ghi nhận thêm 190 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày tại quốc gia Hồi giáo này.
Theo Bộ Y tế Malaysia, hầu hết trong số này có liên quan tới hoạt động truyền giáo tổ chức tại thánh đường Masjid Jamek Sri Petaling, ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur từ ngày 28/2 đến 1/3 vừa qua.
Ông Noor Hisham Abdullah khẳng định các cơ quan chức năng Malaysia đang tiếp tục theo dõi những người đã tham dự sự kiện tôn giáo này.
Tính đến thời điểm hiện tại, Malaysia đã ghi nhận 428 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trở thành quốc gia có số ca mắc cao nhất tại Đông Nam Á. Trong số 428 ca nhiễm, có 42 trường hợp đã bình phục và được xuất viện, 9 trường hợp điều trị trong phòng đặc biệt.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Malaysia đã triển khai nhiền biện pháp phòng ngừa.
Chính phủ Malaysia đã yêu cầu hủy hoặc hoãn các cuộc hội họp quốc tế, các sự kiện thể thao, xã hội và tôn giáo cho tới sau tháng Tư tới.
Bộ Giáo dục nước này ra thông báo yêu cầu tạm dừng tất cả các hoạt động tập trung đông người, cũng như các hoạt động thể thao ngoài trời tại toàn bộ các trường học trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia cũng áp đặt lệnh cấm nhập cảnh với tất cả công dân Iran, Italy và Hàn Quốc, cùng một số tỉnh của Trung Quốc và Nhật Bản.
Thái Lan ngày 15/3 đã xác nhận thêm 32 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 114 trường hợp. Đây cũng là con số tăng mạnh nhất trong một ngày.
Theo giới chức y tế Thái Lan, trong số các trường hợp mới, có 9 người từng tới sàn đấm bốc tại thủ đô Bangkok, 3 người từng tiếp xúc với du khách tại một nhà hàng ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi và một công chức nhiễm bệnh khi đang làm việc tại Tây Ban Nha.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines đã ghi nhận thêm 29 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này lên 140 trường hợp.
Bên cạnh đó, Philippines đã xác nhận thêm 3 trường hợp tử vong do COVID-19 tại nước này.
Indonesia ghi nhận 21 trường hợp nhiễm mới, như vậy tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này là 117 trường hợp, với 5 ca tử vong.
Sau khi Bộ trưởng Giao thông Indonesia Budi Karya Sumadi phải nhập viện điều trị tại thủ đô Jakarta vì nhiễm virus SARS-CoV-2, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố cũng tiến hành xét nghiệm.
Một số bộ trưởng trong nội các Indonesia đã thực hiện xét nghiệm này.
Trong khi đó, số ca nhiễm tại Ấn Độ đã tăng lên 107 trường hợp, với 23 ca mới, trong đó thành phố Mumbai - thủ đô tài chính của nước này- là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, bang Maharashtra hiện có 31 trường hợp mắc COVID-19.
Chính quyền địa phương đã phải cho đóng cửa trường học, trung tâm mua sắm tại phần lớn các thành phố, trong đó có Mumbai./.