Bộ Y tế Ấn Độ ngày 17/7 thông báo tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã vượt 1 triệu người.
Với 35.468 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, Ấn Độ hiện có 1.005.367 người được xác nhận mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bên cạnh đó, 680 ca tử vong mới đã nâng số ca tử vong lên 25.609 ca. Các biện pháp phog tỏa đã được tái áp đặt trên cả nước có 1,3 tỷ dân này sau một thời gian nới lỏng.
Cùng ngày, bang Victoria, bang đông dân thứ hai của Australia, ngày 17/7 tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày.
Với 428 ca nhiễm mới, ngày 17/7 là ngày thứ hai liên tiếp bang này ghi nhận mức tăng cao nhất, sau khi ngày 16/7, con số này ở mức 317 ca. Cũng trong 24 giờ qua, bang này ghi nhận 3 ca nhiễm mới.
Bang Victoria đã phong tỏa địa giới với các bang khác trên cả nước trong hơn một tuần qua sau khi bùng phát ổ dịch mới. Khoảng 4,9 triệu người ở thủ phủ Melbourne đã được yêu cầu ở trong nhà, trừ những hoạt động kinh doanh thiết yếu.
[Hàn Quốc tiếp tục đối mặt với làn sóng COVID-19 'nhập khẩu']
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, số ca nhiễm mới tại nhiều địa phương ở Nhật Bản đang tăng ở mức đáng báo động. Điều đáng lo ngại là giới chức y tế nước này không tìm ra con đường lây nhiễm của nhiều trường hợp.
Các số liệu thống kê mới nhất của các cơ quan chức năng Nhật Bản cho thấy chỉ riêng ngày 16/7, nước này đã ghi nhận thêm 622 ca nhiễm mới. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao thứ 3 kể từ khi dịch bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1 và là lần đầu tiên kể từ ngày 11/4, số ca nhiễm mới trong một ngày cao hơn 600 ca.
Đáng chú ý, số lượng ca nhiễm mới tại thủ đô Tokyo đã tăng cao kỷ lục lên mức 286 ca, nâng tổng số ca ở thành phố này lên 8.640 ca.
Trong số 286 ca nhiễm mới này, có tới 196 người ở độ tuổi từ 20-29 và 30-39; 67 người được phát hiện nguồn lây nhiễm tại các khu vui chơi giải trí về đêm; và 137 người không rõ nguồn gốc nhiễm bệnh.
Hiện các khu vui chơi, giải trí về đêm tại các quận trung tâm như Shinjuku và Ikebukuro vẫn là những ổ dịch lớn.
Bên cạnh đó, người ta cũng lo ngại về nguy cơ lây nhiễm giữa hơn 800 người tham dự sự kiện được tổ chức từ ngày 30/6-5/7 ở một nhà hát tại quận Shinjuku.
Chính quyền thủ đô kêu gọi người dân hạn chế đi lại nếu không thật cần thiết. Bên cạnh đó, chính quyền cũng hối thúc các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp triệt để phòng ngừa lây nhiễm theo hướng dẫn.
Cũng trong ngày 16/7, giới chức tỉnh Miyagi, Đông Bắc Nhật Bản, đã ghi nhận thêm 14 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Một số tỉnh khác như Osaka, Saitama và Kanagawa cũng đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày 25/5.
Tại Hàn Quốc, nhà chức trách địa phương cảnh báo về sự gia tăng số ca "nhập khẩu" và số ca nhiễm trong cộng đồng.
Ngày 17/7, Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch Hàn Quốc (CKDC) ghi nhận thêm 60 ca nhiễm mới, trong đó 39 ca "nhập khẩu," nâng tổng số ca nhiễm diện này lên 13.672 ca.
Đây là lần thứ ba trong tuần này, số ca nhiễm trong ngày này đạt hoặc vượt 60 ca. Tình trạng số ca "nhập khẩu" gia tăng liên tiếp đã kéo dài trong nhiều tuần, tăng ở mức hai con số trong 22 ngày liên tiếp. Hiện tổng cộng có 2.005 ca "nhập khẩu" ở nước này.
Trong số ca "nhập khẩu" mới, chủ yếu là người lao động Hàn Quốc trở về từ Iraq. Để đảm bảo lao động trở về an toàn, Chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch đưa các chuyến bay sang Iraq tuần tới.
Bên cạnh đó, nhà chức trách Hàn Quốc cũng cảnh báo nhóm nguy cơ nhiễm liên quan đến các tàu treo cờ Nga đang đậu ngoài cảng Busan (miền Nam).
Ít nhất 19 ca nhiễm là thủy thủ đã được xác nhận trên 3 con tàu ở đây. Giới chức y tế Hàn Quốc cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ thủy thủ trên các tàu của Nga có tiếp xúc với lao động địa phương.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, Ủy ban y tế quốc gia (NHC) ngày 17/7 ghi nhận 10 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca "nhập khẩu," tại tỉnh Quảng Đông, thành phố Thượng Hải tỉnh Giang Tô, Sơn Đông, Quảng Tây và Thiểm Tây.
Ca mới duy nhất lây nhiễm trong cộng đồng là ở khu tự trị Tân Cương. Không có ca tử vong mới trong 24 giờ qua./.