Số ca nhiễm biến thể mới virus SARS-CoV-2 ở Đức tăng mạnh

Tình trạng lây lan biến thể mới phát hiện lần đầu ở Anh (B.1.1.7) đang ngày càng gia tăng ở Đức khi tỷ lệ nhiễm biến thể mới tăng gấp đôi mỗi tuần và hiện chiếm trên 20% số ca nhiễm mới ở Đức.
Một điểm điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tình trạng lây lan biến thể mới phát hiện lần đầu ở Anh (B.1.1.7) đang ngày càng gia tăng ở Đức khi tỷ lệ nhiễm biến thể mới tăng gấp đôi mỗi tuần và hiện chiếm trên 20% số ca nhiễm mới ở Đức.

Trước những lo ngại về biến thể mới ở Anh, Đức đã buộc phải gia tăng các biện pháp chống dịch như kiểm soát gắt gao việc đi lại ở khu vực biên giới giáp với Cộng hòa Séc và bang Tyrol của Áo.

Hơn 1.000 cảnh sát đã được huy động để kiểm soát các khu vực biên giới trên trong khi công ty đường sắt quốc gia Deutsche Bahn cũng thông báo ngừng các dịch vụ đi và đến từ các vùng dịch.

[Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19: Đức kéo dài lệnh phong tỏa]

Quy định đối với việc đi lại qua biên giới giáp với Séc và bang Tyrol của Áo sẽ tiếp tục được gia hạn sau khi hết hiệu lực vào đêm 18/2, theo đó các trường hợp vì lý do công việc cần qua lại biên giới phải có giấy xác nhận của chủ lao động.

Ngày 17/2, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cho biết sự nguy hiểm của biến thể mới là lý do chính để duy trì lệnh phong tỏa dù thực tế số ca nhiễm mới đã có chiều hướng giảm trong vài tuần qua.

Theo ông Spahn, hai tuần trước, tỷ lệ nhiễm biến thể B.1.1.7 tại Đức chỉ chiếm 6% số ca mắc mới COVID-19, song tình trạng lây lan biến thể này gia tăng nhanh chóng và hiện chiếm tới 22% số ca nhiễm mới.

Ông Spahn cảnh báo tình trạng lây lan biến thể B.1.1.7 sẽ tiếp tục ở mức cao và có thể trở thành tác nhân chính trong số các ca mắc bệnh, đặc biệt khi biến thể này có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn so với chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu.

Bộ trưởng Spahn cũng cho biết tỷ lệ nhiễm biến thể phát hiện ở Nam Phi lại thấp hơn đáng kể, chỉ khoảng 1,5%, trong tổng số trên 23.000 mẫu xét nghiệm trong vài tuần qua.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể xuất hiện ở Anh đến nay đã được phát hiện ở 94 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi biến thể xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi đã lây lan tới 46 nước, và biến thể phát hiện ở Brazil và Nhật Bản đã hiện diện ở 21 nước.

Liên quan vắcxin của hãng AstraZeneca, một phát ngôn viên Bộ Y tế liên bang Đức cùng ngày 17/2 khẳng định không có dấu hiệu cho thấy "những tác dụng phụ nghiêm trọng" xuất hiện sau khi tiêm thuốc này.

Bộ Y tế Đức khẳng định hiệu quả của vắcxin này, đồng thời nhấn mạnh về cơ bản, một số tác dụng phụ xuất hiện sau khi tiêm chủng là điều hết sức bình thường.

Vắcxin phòng COVID-19 của AstraZeneca/Oxford. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Trong khi đó, Bộ Y tế bang Nordrhein-Westfalen cũng xác nhận vắcxin của AstraZeneca đem lại hiệu quả tốt và không thể xếp dược phẩm này như một vắcxin hạng 2.

Những tranh cãi nổ ra vài ngày qua ở Đức khi vắcxin AstraZeneca chỉ được chỉ định tiêm cho những người dưới 65 tuổi và có những thông tin về tác dụng phụ và hiệu quả bị giảm so với các vắcxin khác.

Theo thông báo sáng 17/2 của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận thêm 7.500 ca nhiễm và 560 ca tử vong.

Chỉ số lây nhiễm 7 ngày/100.000 dân đã giảm từ 59 xuống 57. Mục tiêu của chính quyền trung ương và địa phương của Đức là giảm chỉ số này xuống dưới ngưỡng 50 và trong trường hợp giảm ổn định dưới ngưỡng 35 có thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Tại Ba Lan, Bộ trưởng Y tế nước này Adam Niedzielski cùng ngày cho biết theo một kịch bản sáng sủa, số ca mắc hằng ngày tại Ba Lan có thể sẽ ở mức trung bình mỗi tuần là khoảng 8.000-10.000 ca.

Ông Niedzielski nói rằng xét trong ngắn hạn, các mô hình dự báo cho thấy nước này sẽ đối phó được với số ca mắc gia tăng trong tháng 3 tới.

Theo trang thống kê worldometers.info, đến nay, quốc gia Đông Âu này đã ghi nhận tổng cộng 1.605.372 ca mắc, trong đó có 41.308 ca tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục