Số ca mắc vẫn cao, Chính phủ yêu cầu nỗ lực sản xuất vaccine

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong năm nay Việt Nam phải có đủ vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho 75 triệu người dân; những năm tiếp theo vẫn cần lượng lớn vaccine để tiếp tục tiêm phòng.
Tiêm mũi 2, đợt 2 thử nghiệm vaccine Nano Covax phòng COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết ngày 7/6, Việt Nam ghi nhận thêm 236 ca mắc mới COVID-19, gồm 25 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 211 ca trong nước.

Bắc Giang vẫn là địa phương ghi nhân số ca mắc nhiều nhất, với 122 ca.

Tiếp đó là Thành phố Hồ Chí Minh 46 ca, Bắc Ninh 29 ca, Lạng Sơn 7 ca; Hà Nam, Hà Tĩnh cùng ghi nhận 2 ca; Hà Nội, Bình Dương và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đều ghi nhận 1 ca.

Trong số 211 ca ghi nhận trong nước có 200 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

[Vaccine Nano Covax sẽ bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 trong tuần này]

Như vậy, tính đến tối 7/6, Việt Nam có tổng cộng 7.402 ca ghi nhận trong nước và 1.581 ca nhập cảnh; số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 5.832 ca.

Cả nước có 15 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Cũng trong ngày 7/6, cả nước có 141 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng số ca được điều trị khỏi lên 3.509 ca.

Nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19

Sáng 7/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với các nhà khoa học, đại diện các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine về công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh với nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người dân là trước hết, trên hết, trong năm nay Việt Nam phải có đủ vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho 75 triệu người dân; những năm tiếp theo vẫn cần lượng lớn vaccine để tiếp tục tiêm phòng cho nhân dân.

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, đơn vị liên quan đã nỗ lực bằng nhiều hình thức để mua được nhanh nhất, nhiều nhất vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho nhân dân.

Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên thế giới không phải là dễ dàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhiều trên thế giới, năng lực sản xuất vaccine có hạn.

Do đó, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine phòng COVID-19 ở trong nước có tính chất chiến lược, phải thực hiện bằng được để chủ động nguồn vaccine phòng COVID-19 tiêm phòng cho nhân dân và tiết kiệm kinh phí.

Bác sỹ chuẩn bị tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax cho tình nguyện viên. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, nghiên cứu, sản xuất vaccine phát huy tinh thần tự lực, tự cường, trí tuệ, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, chung sức tìm giải pháp, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 để tiêm đại trà cho nhân dân.

Liên quan đến việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước, theo thông tin từ Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng, tính đến ngày 7/6, đã có hơn 6.000 tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax phòng COVID-19 giai đoạn 3. Dự kiến sáng 8/6, các tình nguyện viên sẽ chính thức tiêm thử nghiệm vaccine “made in Việt Nam.”

Trong giai đoạn 3, vaccine Nano Covax sẽ thử nghiệm trên khoảng 13.000 tình nguyện viên, tại nhiều trung tâm trong nước: Học viện Quân y và Hưng Yên (phía Bắc), Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và Long An (phía Nam).

Giai đoạn 3 nhằm mục đích đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine đối với cộng đồng, tiêm thử nghiệm nhóm liều 25mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng.

Trung tướng, Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y, Bộ Quốc phòng cho biết nồng độ kháng thể virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 cho thấy, hiệu giá kháng thể tăng rất cao, từ hàng chục cho đến hàng trăm lần.

Sau mũi tiêm thứ hai, các tình nguyện viên được khám sức khỏe (xét nghiệm máu, đo huyết áp...) 1 lần/tuần để đánh giá lượng kháng thể xuất hiện trong cơ thể; sau đó tiếp tục được theo dõi trong vòng 6 tháng để lấy thông tin, đánh giá sức khỏe cũng như khả năng sinh miễn dịch. Đến nay, 100% tình nguyện viên tiêm vaccine Nano Covax đều sinh kháng thể trong máu.

Nano Covax là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người, do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu, chính thức triển khai từ giữa tháng 12/2020.

Rà soát, sàng lọc, điều tra dịch tễ để đưa công nhân vào nhà máy làm việc

Chiều tối 7/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch bệnh tại 2 địa phương trong giai đoạn hiện nay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh Bắc Ninh tập trung xử lý dịch bệnh tại huyện Thuận Thành; cân nhắc việc dỡ bỏ phong tỏa tại huyện Thuận Thành do đây là địa phương giáp Hà Nội, cần kiểm soát chặt chẽ việc đi lại, không để dịch bệnh lây lan sang những nơi khác; đồng thời, tiếp tục cảnh giác với tình hình dịch bệnh tại thành phố Bắc Ninh.

Liên quan đến công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế thảo luận với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh về việc tăng cường lực lượng thực hiện xét nghiệm; tập trung rà soát kỹ tình hình dịch bệnh tại Công ty TNHH AAC nói riêng, các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp, khu công nghiệp nói chung. Bắc Ninh quyết liệt rà soát, sàng lọc, điều tra dịch tễ để đưa công nhân vào nhà máy làm việc trên tinh thần phải bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Theo báo cáo của Bắc Giang, địa phương này đang tiếp tục triển khai củng cố mô hình cách ly tại khu ký túc xá công nhân, cách ly tại nhà, tự lấy mẫu xét nghiệm và sớm đúc kết, phổ biến cho các tỉnh trên toàn quốc, đề phòng trường hợp nhiều khu công nghiệp ở nhiều địa phương cùng xảy ra dịch bệnh.

Phó Thủ tướng nhận định Bắc Giang có cách làm tương đối bài bản trong việc xét nghiệm sàng lọc định kỳ, liên tục tại các khu cách ly, phong tỏa kết hợp với giảm, giãn mật độ công nhân tại các điểm nóng, khẩn trương làm sạch các ổ dịch.

Đối với những địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg, từng thôn, xã, thị trấn đã làm chặt chẽ để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm chéo. Điển hình, xã Bích Sơn, Hoàng Ninh (huyện Việt Yên) đã không ghi nhận ca mắc mới trong suốt đợt dịch vừa qua.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, dịch bệnh đang được kiểm soát tích cực. Tuy nhiên, các địa phương lân cận cần lưu ý đến những trường hợp liên quan đến các chùm ca bệnh ở các khu dân cư có đông công nhân làm việc trong khu công nghiệp.

Các tỉnh có nhiều khu công nghiệp sát Thành phố Hồ Chí Minh như Bình Dương phải quản lý chặt chẽ những khu dân cư này, không để dịch bệnh xuất hiện trong khu công nghiệp cả tuần mới phát hiện ra như ở Bắc Giang.

Theo lịch thi đấu của Đội tuyển bóng đá Việt Nam, trong tối 7/6 và trong khoảng thời gian đến ngày 15/6 sẽ diễn ra các trận đấu của Đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022.

Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm việc không tụ tập đông người, không tổ chức xem bóng đá đông người đối với các trận thi đấu của Đội tuyển Việt Nam và các trận thi đấu khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục