Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 21/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 179.239.736 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3,88 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 163.794.232 người.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 289.579 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ (53.009 ca), Brazil (44.178 ca), Colombia (27.818 ca), Nga (17.611 ca), Indonesia (13.737 ca), Nam Phi (13.155 ca), Argentina (10.395 ca).
Mỹ - quốc gia có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất thế giới - ghi nhận 4.422 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 34.406.001 ca, trong đó 617.166 ca tử vong.
Số ca nhiễm mới trong vòng 7 ngày trên toàn thế giới đã giảm 5%, trong đó số ca nhiễm mới tại châu Á giảm 14%, Bắc Mỹ giảm 10%, châu Âu giảm 3%.
Tuy nhiên, so với tuần trước nữa, tốc độ sụt giảm số ca mắc mới trong 7 ngày qua tại châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á đang chậm dần.
[Infographics] 10 nước có ca tử vong cao nhất thế giới do COVID-19
Trong khi đó, châu Phi ghi nhận số ca nhiễm trong 7 ngày tăng tới 29%, châu Đại dương tăng 25% và Nam Mỹ tăng 1%.
Tại châu Âu, biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ và đang bùng phát tại Anh, hiện đã lan rộng ở Bồ Đào Nha và xuất hiện tại một số khu vực ở Đức, Pháp và Tây Ban Nha.
Các quan chức y tế châu Âu cảnh báo cần phải hành động để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này.
Phóng viên TTXVN tại London dẫn báo cáo phân tích dữ liệu của tờ Financial Times cho biết, mặc dù biến thể Delta chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số ca mắc COVID-19 ở châu Âu, nhưng biến chủng này đang gia tăng, chiếm tới 96% các ca mắc mới tại Bồ Đào Nha, hơn 20% tại Italy, và khoảng 16% tại Bỉ.
Điều này làm dấy lên lo ngại biến thể mới có thể cản trở những nỗ lực mà EU đã đạt được trong vòng hai tháng qua trong việc giảm các ca mắc và tử vong do COVID-19 xuống mức thấp nhất kể từ mùa Thu năm ngoái.
Tại Bồ Đào Nha, biến thể Delta đang lây lan trong cộng đồng tại khu vực Lisbon mở rộng, nơi chiếm hơn 60% tổng số ca mắc COVID-19 trong tuần qua tại nước này.
Bồ Đào Nha hiện đã ban hành lệnh cấm rời khỏi khu vực này và các hoạt động đi lại không thiết yếu nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể này sang các khu vực trong nước khác.
Tờ Financial Times dẫn lời Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết biến thể Delta chiếm từ 2% đến 4% các mẫu virus được phân tích ở Pháp.
Ông nhấn mạnh dù con số này vẫn thấp, nhưng tình hình ở Anh vài tuần trước cũng tương tự như vậy.
Nhà chức trách Pháp hiện đang nỗ lực ngăn chặn dịch bùng phát tại vùng Landes, gần biên giới Tây Ban Nha, nơi 125 ca mắc COVID-19 với biến thể Delta đã được phát hiện qua giải trình tự gen và 130 ca nghi ngờ khác, chiếm khoảng 30% các ca mắc mới gần đây tại khu vực này.
Các nhà khoa học châu Âu hiện đang tập trung vào Anh - nơi số ca mắc COVID-19 đã tăng gấp ba trong tháng qua với biến thể Delta chiếm khoảng 98% tổng số ca mắc COVID-19 - để dự báo về diễn biến của đại dịch cũng như tìm ra những biện pháp ứng phó.
Sau khi dữ liệu chính thức cho thấy biến thể Delta dường như làm tăng nguy cơ nhập viện gấp 2,2 lần so với biến thể Alpha được phát hiện tại Anh, chính phủ Anh đã lùi lộ trình dỡ bỏ phong tỏa đất nước thêm 4 tuần.
Nhà virus học Bruno Lina, cố vấn của chính phủ Pháp, cho biết các quyết định mở cửa trở lại của Anh sẽ là một thí nghiệm đối với châu Âu.
Nghiên cứu gần đây của chính phủ Anh nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thành chương trình tiêm chủng càng sớm càng tốt.
Một số nhà khoa học lo ngại biến thể Delta có thể đã lan rộng nhưng chưa bị phát hiện do việc giải trình tự gen để xác định các biến chủng ít được thực hiện tại châu Âu vì chi phí cao và tốn thời gian.
Trong khi Anh đã giải trình tự hơn 500.000 bộ gene SARS-CoV-2, con số này lần lượt chỉ vào khoảng 130.000, 47.000 và 34.000 tại Đức, Pháp và Tây Ban Nha.
Các chuyên gia tin rằng biến thể Delta sẽ thống trị tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện, và chìa khóa để giải quyết vấn đề là tăng tỷ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine, đồng thời làm chậm quá trình lây lan của virus càng nhanh càng tốt./.