Số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới chạm mốc 190 triệu người

Toàn thế giới ghi nhận 189.696.726 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4,082,570 ca tử vong, số bệnh nhân bình phục là 173.127.767 người.
Số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới chạm mốc 190 triệu người ảnh 1Chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một nghĩa địa ở bang Amazonas, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã gần chạm mốc 190 triệu người.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 16/7 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới ghi nhận 189.696.726 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.082.570 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 173.127.767 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 624.185 ca tử vong trong tổng số 34.884.229 ca nhiễm. Sau Mỹ là Ấn Độ với 31.025.875 ca bệnh và 412.563ca tử vong; Brazil đứng thứ ba có 539.050 ca tử vong trong số 19.262.518 bệnh nhân.

Trong vòng 24 giờ qua, toàn thế giới đã có thêm 554.782 ca mắc mới và 8.451 ca tử vong. Đáng chú ý, Brazil đứng đầu thế giới về số ca mắc mới và ca tử vong mới, lần lượt là 52.789 ca và 1.552 ca.

Tại châu Âu, nước Anh đang là tâm điểm khi số ca mắc mới tiếp tục ở mức cao với 48.553 ca. Còn tại châu Á, tình hình dịch bệnh tại Indonesia vẫn diễn biến nghiêm trọng khi quốc gia "vạn đảo" này đang vật lộn với số ca mắc mới tăng đột biến với 48.553 ca.

Bộ Y tế Cuba thông báo nước này tiếp tục ghi nhận mức mới về số ca tử vong. Theo đó, quốc gia Caribe này đã ghi nhận 67 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi do COVID-19 lên mức 1.726 ca.

Cuba cũng ghi nhận thêm 6.479 ca mắc mới, đưa tổng số ca bệnh tại đây lên mức 263.086 ca. Trong số này, tỉnh miền Tây Matanza, tâm điểm của dịch bệnh tại nước này, chiếm tới 1/3 số ca mắc mới khi ghi nhận 2.159 ca. Tiếp đó là thủ đô La Habana với 655 ca.

Cũng trong ngày 15/7, nhà chức trách Cuba đã áp dụng quy định cách ly 14 ngày đối với những Cuba khi nhập cảnh tại sân bay quốc tế Varadero và Cayo Coco.

[Dịch COVID-19: Đã có 25,6% dân số thế giới được tiêm vaccine]

Cũng tại châu Mỹ, ngày 15/7, Chính phủ Argentina đã quyết định để Quốc tang 5 ngày sau khi số người tử vong do đại dịch COVID-19 đã vượt mốc 100.000 trường hợp. Trong thời gian Quốc tang, tất cả các trụ sở công cộng và cơ quan nhà nước sẽ treo cờ rủ.

Argentina đang phải đối phó với làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 trong những tháng vừa qua với số ca nhiễm mới và tử vong liên tục tăng cao.

Theo thống kê chính thức, đến nay nước này đã ghi nhận hơn 4,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó có 100.250 ca tử vong. Thời gian gần đây, tỷ lệ lây nhiễm mới đã có chiều hướng giảm do chương trình tiêm chủng được đẩy mạnh trong những tuần qua.

Số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới chạm mốc 190 triệu người ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Buenos Aires, Argentina. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo nhà chức trách Argentina, hơn 20,6 triệu người dân, tương đương 60% người trưởng thành, đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong số này 5,1 triệu người đã tiêm đủ liều.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo số ca tử vong do có liên quan tới dịch COVID-19 tại châu Phi đã tăng tới 43% chỉ trong vòng một tuần qua, do tình trạng thiếu ôxy và giường chăm sóc đặc biệt.

Theo dữ liệu của WHO, số bệnh nhân tử vong do mắc COVID-19 tại châu Phi tăng lên 6.273 ca trong tuần từ 5-11/7, so với mức tương ứng 4.384 ca của tuần trước đó.

Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, bà Matshidiso Moeti cho biết con số này là một tín hiệu cảnh báo rõ ràng rằng các bệnh viện ở những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất đang tiến tới “điểm giới hạn." Do đó, điều quan trọng là các nước cần tăng cường sản xuất ôxy để hỗ trợ bệnh nhân có triệu chứng nặng.

WHO nhận định, số ca tử vong do mắc COVID-19 diễn ra đồng thời với tình trạng thiếu vaccine, sự lây lan mạnh của biến thể Delta đã được phát hiện tại 21 quốc gia châu Phi, cùng với sự suy yếu trong triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Châu Phi hiện chính thức ghi nhận hơn 6 triệu ca mắc COVID-19, ít hơn nhiều so với các châu lục khác, song giới chuyên gia cảnh báo số liệu này có thể bị đánh giá thấp hơn thực tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục