Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 21 giờ 15 ngày 18/10, trên thế giới có tổng cộng 40.056.021 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 1.115.898 ca tử vong. Số ca bình phục là 29.951.731 ca.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, với 8.345.633 ca mắc và 224.295 ca tử vong.
Tiếp đến là Ấn Độ với 7.504.743 ca mắc và 114.154 ca tử vong, Brazil với 5.224.362 ca mắc và 153.690 ca tử vong, Nga với 1.399.334 ca mắc và 24.187 ca tử vong, Tây Ban Nha với 982.723 ca mắc và 33.775 ca tử vong.
Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang ở mức báo động đáng lo ngại.
Ngoài Ấn Độ hiện bị ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực và thứ hai trên thế giới, các nước Đông Nam Á cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng nhanh với hàng nghìn ca mỗi ngày.
[COVID-19: Số ca mắc tăng nhanh, các nước siết chặt biện pháp hạn chế]
Cụ thể, Indonesia phát hiện 4.105 ca mắc mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 361.867 ca. Số ca tử vong hiện là 12.511 ca - tăng 80 ca, trong khi số ca bình phục tính đến nay là 285.324 ca.
Tại Philippines, tổng số ca mắc COVID-19 cũng tăng lên 356.618 ca sau khi Bộ Y tế nước này xác nhận thêm 2.379 ca mắc mới. Số ca bình phục cũng tăng mạnh lên 310.158 ca sau khi có thêm 14.941 bệnh nhân được chữa khỏi.
Trong khi đó, Philippines cũng có thêm 50 ca không qua khỏi, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 6.652 ca.
Còn tại Malaysia, ngày 18/10 là ngày thứ 2 liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất kể từ đầu dịch, với 871 ca, đưa tổng số ca mắc lên 20.498 ca.
Ngoài ra, Malaysia cũng có thêm 7 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong lên 187.
Thái Lan cũng xác nhận thêm 3 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, tất cả đều là người thân của 2 bệnh nhân Myanmar sống ở Thái Lan phát hiện trong tuần vừa qua.
Theo Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) của Thái Lan, tính đến ngày 18/10, nước này có tổng cộng 3.686 ca mắc bệnh và số ca tử vong giữ nguyên ở 59 ca.
Cùng ngày 18/10, New Zealand ghi nhận trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng, chỉ hai tuần sau khi Thủ tướng nước này Jacinda Ardern tuyên bố quốc gia Nam Thái Bình Dương đã "lại đánh bại được virus (SARS-CoV-2)."
Tuy nhiên, theo bà, hiện chưa cần áp đặt các biện pháp hạn chế.
Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng Australia, bang Victoria sẽ nới lỏng một phần các hạn chế từ ngày 19/10.
Như vậy, sau hơn 100 ngày phong tỏa nghiêm ngặt, 5 triệu người dân Melbourne có thể ra ngoài, song chỉ được đi lại trong bán kính 25km tính từ nhà.
Việc tụ tập vẫn bị siết chặt, các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ chỉ được bán mang đi hoặc giao hàng. Dự kiến, các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng sẽ được phép mở lại từ ngày 1/11 tới.
Tại khu vực Trung Đông, Saudi Arabia đã cho phép người dân tại nước này đến cầu nguyện tại thánh đường Al-Haram ở Mecca, một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Hồi giáo, sau 7 tháng đóng cửa.
Trong khi đó, Israel sẽ yêu cầu du khách đến từ Vương quốc Anh phải tự cách ly trong 14 ngày theo các hướng dẫn mới về phòng dịch bệnh COVID-19 do tỷ lệ lây nhiễm tại Anh đã tăng rất nhanh trong những tuần gần đây./.