Số ca mắc COVID-19 tại Campuchia tiếp tục tăng nhanh

Trong 24 giờ qua, Campuchia đã ghi nhận thêm 625 ca mắc mới, nâng tổng cộng số ca nhiễm virus SAR-COV-2 lên 40.782, trong đó 35.030 người hồi phục và 380 người tử vong.
Số ca mắc COVID-19 tại Campuchia tiếp tục tăng nhanh ảnh 1Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Kadal, Campuchia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thông cáo ra ngày 17/6 của Bộ Y tế Campuchia cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 625 ca mắc COVID-19, trong đó có 34 ca nhập cảnh và 591 ca lây nhiễm cộng đồng.

Một số tỉnh tại Campuchia cũng thông báo về tình trạng lây nhiễm COVID-19 ở mức hai chữ số mỗi ngày.

Như vậy, tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 40.782 ca mắc COVID-19, trong đó 35.030 người hồi phục và 380 người tử vong.

Campuchia ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại thành phố Sihanoukville, ở miền Nam, hồi cuối tháng 1/2020 và tình hình dịch bệnh tại nước này được kiểm soát tốt cho đến khi xảy ra “sự cố cộng đồng ngày 20/2” khiến dịch COVID-19 lây lan trên phạm vi cả nước.

Từ ca tử vong do COVID-19 đầu tiên ngày 11/3/2021, số ca tại Campuchia đến nay đã tăng lên 380 người.

[Campuchia: Số ca mắc mới tăng, Phnom Penh xem xét tái lập Khu vực Đỏ]

Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ngày 16/6 đã thông báo kế hoạch kiểm soát lây lan dịch COVID-19 tại các nhà máy và xí nghiệp ở Phnom Penh.

Theo ông Khuong Sreng, bất chấp diễn biến khó khăn của dịch COVID-19, hầu như mọi hoạt động của các nhà máy và xí nghiệp vẫn diễn ra bình thường và chỉ số ít nhà máy phải tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu khiến công nhân nhà máy mắc COVID-19 là do phương tiện vận chuyển đưa, đón công nhân từ các nhà máy khác nhau và không tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch.

Trước tình hình này, chính quyền Phnom Penh kêu gọi thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân nhà máy, lập khu vực ăn uống riêng, tách biệt với khu làm việc, cải thiện vệ sinh môi trường làm việc và xịt khử khuẩn thường xuyên.

Ông Khuong Sreng cũng yêu cầu các nhà máy không cho phép bán đồ ăn, đồ uống, đồ dùng trong và xung quanh nơi làm việc, trừ dịch vụ bán đồ ăn cho nhà máy, xí nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục