Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Phi (Africa CDC), một cơ quan đặc biệt trực thuộc Liên minh châu Phi (AU), cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở châu lục này đã lên tới 10.075 ca và 487 người đã tử vong.
Theo Africa CDC, dịch COVID-19 đã lan tới 52 quốc gia châu Phi. Trung tâm này cũng cho biết thêm 913 ca đã phục hồi.
Từ ngày 27/1 vừa qua, thông qua Africa CDC, AU đã kích hoạt Trung tâm Hoạt động khẩn cấp (EOC) và Hệ thống Quản lý sự cố (IMS).
Nigeria kêu gọi quốc tế hỗ trợ tài chính chống dịch
Trong một diễn biến khác, giới chức Nigeria đã hối thúc các thể chế cho vay đa phương như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp 6,9 tỷ USD để nước này ứng phó với các hậu quả của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu với báo giới ngày 6/4, Bộ trưởng Tài chính Nigeria Zainab Ahmed cho biết nước này đã đóng góp 3,4 tỷ USD cho IMF và có quyền hưởng số tiền này trong trường hợp cần thiết.
Trước tiên, chính quyền Abuja đề nghị khoản tiền tối đa và muốn WB hỗ trợ 2,5 tỷ USD cùng Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfBD) cấp 1 tỷ USD.
Hiện Chính phủ Nigeria đã lên kế hoạch lập quỹ trị giá 1,3 tỷ USD để hỗ trợ hệ thống chăm sóc y tế đang rất yếu kém của mình, song việc này lại xảy ra đúng lúc nước này đang buộc phải cắt giảm ngân sách chi tiêu do giá dầu sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến thu ngân sách.
Quốc gia đông dân nhất châu Phi và cũng là nhà sản xuất dầu lửa lớn nhất châu lục này đang nỗ lực ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, đồng thời giảm thiểu những tác động kinh tế tiêu cực do giá dầu rơi tự do. Nước này đã ghi nhận 238 ca nhiễm và 5 ca tử vong.
[Nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi giãn nợ cho các nước nghèo]
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch ngày 6/4 hạ xếp hạng mặc định dài hạn bằng ngoại tệ của Nigeria xuống mức "B" và đánh giá triển vọng là tiêu cực.
Maroc hạ mức trần nợ nước ngoài để vay thêm ứng phó với dịch
Trong một diễn biến liên quan, Maroc đã nâng mức trần nợ nước ngoài, vốn đang là 3 tỷ USD, để có thể tiếp tục vay tiền ứng phó với các tác động của dịch. Quyết định trên đã được nội các thông qua trong cuộc họp ngày 6/4.
Theo người phát ngôn chính phủ Saad Eddine El Othmani, biện pháp này sẽ cho phép Maroc được vay thêm từ các thể chế quốc tế như WB và AfDB.
Hiện Maroc đã ghi nhận 1.120 ca nhiễm và 80 ca tử vong vì COVID-19.
Ngày 5/4, nước này đã bắt đầu xây dựng một bệnh viện dã chiến tại thành phố Casablanca, trung tâm kinh tế, để giúp điều trị cho bệnh nhận COVID-19 đang ngày càng gia tăng.
Dự kiến, bệnh viện này sẽ có khoảng 700 giường trên diện tích 2.000m2 và sẽ hoàn tất trong 2 tuần tới. Từ ngày 22/3 vừa qua, nước này cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế một tháng, cho đến ngày 20/4 vừa qua và đóng cửa biên giới trên bộ và trên biển, ngừng mọi chuyến bay chở khách quốc tế từ ngày 15/3 vừa qua.
Angola triển khai lực lượng cảnh sát đặc nhiệm
Cùng ngày, Angola đã triển khai một đơn vị cảnh sát đặc nhiệm, đi tuần tra bằng xe bọc thép trên các con phố ở thủ đô Luanda nhằm thực thi các quy định chống dịch, vì mọi người tiếp tục ra đường bất chấp lệnh hạn chế đi lại.
Tổng thống Joao Lourenco đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước vào tháng trước nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, theo đó cấm đi lại, hội họp và các hoạt động công cộng. Nhưng rất ít người tuân thủ các quy định mới, dẫn tới việc chính phủ phải tăng cường kiểm soát với sự can thiệp của lực lượng cảnh sát đặc nhiệm.
Angola hiện đã ghi nhận 16 ca nhiễm và 2 ca tử vong, con số tương đối thấp so với các nước láng giềng ở miền Nam châu Phi./.
Theo website chuyên về thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ 15 phút ngày 7/4 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 1.346.566 người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 74.697 ca tử vong và 278.695 bệnh nhân đã bình phục. |