Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng tăng trở lại dù cấp độ dịch vẫn duy trì ở mức 2 nhiều tuần liên tiếp. Nhiều quận, huyện xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng và trở thành những điểm nóng phức tạp.
F0 chủ quan, chỉ khai báo khi trở nặng
Mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận từ 900 đến hơn 1.000 ca mắc COVID-19 mới. Hiện các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị cho hơn 12.000 người mắc COVID-19, hơn 61.000 ca F0 đang tự cách ly và được điều trị tại nhà.
Dù độ phủ vaccine của thành phố tương đối cao nhưng nhiều người từ các tỉnh trở lại thành phố học tập, làm việc chưa được tiêm vaccine nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm khá cao.
Tính từ ngày 23/10 đến nay, Quận 12 ghi nhận hơn 8.000 trường hợp F0. Riêng phường Hiệp Thành ghi nhận hơn 1.200 trường hợp. Đây là phường duy nhất của quận có khu công nghiệp, các ca mắc mới chủ yếu là công nhân, người dân sống ở các khu nhà trọ.
Bác sỹ Trần Thị Phụng, Trưởng Trạm Y tế phường Hiệp Thành, cho biết nhiều F0 phát hiện tại nơi làm việc hoặc tự xét nghiệm nhanh tại nhà. Trạm không đủ nhân lực đến tận nhà nên phải mời đến trạm làm xét nghiệm và phát thuốc vào 15 đến 16 giờ 30 hàng ngày.
[TP.HCM thí điểm cách ly tập trung 7 ngày đối với F0 không triệu chứng]
Trong khung thời gian này, những ai không phải là F0 được yêu cầu không vào trạm. Việc tiếp nhận F0 ngay tại trạm những ngày qua là cách "chữa cháy" bởi các ca dương tính đã tăng nhanh, nhân lực từ các trạm y tế lưu động chưa kịp bổ sung.
Tại Trạm Y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú), mỗi ngày ghi nhận 5 đến 7 ca bệnh. Đặc biệt đầu tháng 12, trạm ghi nhận chùm 10 ca bệnh ở một công ty do cùng sinh hoạt, ăn uống tại chỗ. Một số ca sau khi điều tra dịch tễ cho biết di chuyển nhiều nơi.
Bác sỹ Lâm Phước Trí, Trưởng Trạm Y tế phường Tân Quý, cho rằng một trong những nguyên nhân số ca mắc COVID-19 tăng mạnh do người dân được thoải mái di chuyển tới các hàng quán ăn uống.
Bên cạnh đó, người dân đã được tiêm vaccine nên nếu mắc có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nên trở thành F0 mà không biết. Để kiểm soát số ca mắc, ý thức của người dân vẫn là điều kiện quyết định. Người dân phải thận trọng và tuân thủ tốt biện pháp 5K để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như cộng đồng.
Đồng quan điểm, theo bác sỹ Lê Thị Bảo Yến, Phụ trách Trạm Y tế lưu động số 1 (phường 16, Quận 3), đa số các ca F0 được phát hiện là do người dân tự test và báo nhân viên y tế xuống tư vấn, cấp phát thuốc, hướng dẫn điều trị, chăm sóc. Sau đó, trạm y tế sẽ khám và tầm soát bệnh nhân mang bệnh lý nền có nguy cơ chuyển nặng, ưu tiên đưa vào khu cách ly.
Tuy nhiên, đại bộ phận người dân có tâm lý chủ quan cho rằng đã tiêm hai mũi vaccine, nếu có mắc bệnh cũng sẽ nhẹ. Bên cạnh đó, nhiều người nghĩ đã tiêm đủ hai mũi vaccine rồi hoặc không có bệnh nền nên tự theo dõi ở nhà hoặc nghe người thân quen chia sẻ kinh nghiệm tự điều trị.
Lấy dẫn chứng về một số trường hợp bệnh nhân tới trạm vừa qua, bác sỹ Lê Thị Bảo Yến cho biết trạm y tế tiếp nhận một số trường hợp mắc bệnh tự theo dõi sức khỏe và chỉ khai báo khi tình trạng bệnh diễn tiến nặng. Trong đó, có hai ông bà trên 80 tuổi được người nhà tự mua thuốc cho uống, cụ ông có tiền sử tai biến. Chỉ đến khi ông khó thở, ho nhiều, người nhà mới báo nhân viên y tế.
"Chúng tôi đánh giá cụ ông cần được chuyển viện nhưng không thuyết phục được người nhà. Sang hôm sau, cả hai ông bà đều khó thở, chúng tôi phải tức tốc đưa vào Bệnh viện dã chiến số 6 để điều trị. Một trường hợp khác tự test nhanh dương tính bảy, tám ngày nhưng không báo nhân viên y tế, chỉ đến khi cảm thấy mệt, đo chỉ số SpO2 chỉ còn 91, 92 mới báo," bác sỹ Lê Thị Bảo Yến nói.
Đảm bảo bình yên cho người dân
Về vấn đề F0 không khai báo với chính quyền địa phương, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng hiện thành phố không triển khai tầm soát như trước mà tập trung xét nghiệm những người có nguy cơ.
Người dân có thể tự làm xét nghiệm tại nhà nhưng nếu ý thức không tốt sẽ xảy ra tình trạng biết mình đã mắc COVID-19 nhưng vẫn đi lại, tiếp xúc với nhiều người.
Ngành Y tế đã tổ chức truyền thông cho đối tượng nguy cơ với 10 hoạt động chính; tiêm vaccine liều nhắc lại cho người thuộc nhóm nguy cơ; chăm sóc F0 là người thuộc nhóm nguy cơ; truyền thông để người dân tự giác khai báo y tế; tăng cường thực hiện quy chế phối hợp quản lý F0, phân công cụ thể cho từng bộ phận. Sở Y tế sẽ tham mưu để các quy định xử phạt người biết mình là F0 nhưng vẫn lưu thông, tiếp xúc với người khác.
"Các địa phương cần sớm cập nhật danh sách người thuộc nhóm nguy cơ, đây là dữ liệu quan trọng cho thành phố trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chúng ta đã bỏ công sức 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người' để phát phiếu thì khi thu phiếu cần kiểm tra kỹ, chỗ nào người dân chưa đánh dấu phải bổ sung cho đủ," Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, diễn biến của dịch tại thành phố tương đối giống với thế giới, lúc tăng lúc giảm không ổn định.
Do đó, thành phố đã triển khai hàng loạt chiến lược y tế bài bản trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; có kế hoạch, nêu rõ công việc cụ thể.
Thành phố có chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ, có kế hoạch giám sát các nơi có nguy cơ cao; xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron; huy động hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân tham gia phòng, chống dịch; củng cố bệnh viện dã chiến 3 tầng, củng cố trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng các chiến dịch và kế hoạch mang tinh thần trách nhiệm, là sự sáng tạo từ thực tế phòng, chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm cố gắng tối đa bảo vệ sức khỏe người dân.
Quá trình triển khai đã có sự phối hợp liên ngành, liên đơn vị một cách chặt chẽ. Đó là nền tảng để Thành phố Hồ Chí Minh "chiến đấu" lâu dài trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Thời gian tới, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý đến việc bao phủ vaccine. Trong chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu, việc đầu tiên là các quận, huyện và thành phố Thủ Đức phải thống kê, rà soát, nắm kỹ số lượng người có nguy cơ cao trên địa bàn để đưa vào cơ sở dữ liệu, kết nối thông tin; nắm kỹ từng hoàn cảnh, đặc điểm sống, môi trường sống để triển khai các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân.
Song song đó, các địa phương phải có phương án bảo vệ người lớn tuổi ngay trong gia đình, cần nâng lên một bước là người cao tuổi cũng cần thận trọng khi tiếp xúc với người thân ở trong nhà. Mỗi người, ngoài bảo vệ bản thân cũng phải có trách nhiệm bảo vệ người thân trong gia đình, nhất là người lớn tuổi.
Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ phải được thực hiện một cách thấu đáo bằng lương tâm và trách nhiệm; chú trọng giám sát vùng có nguy cơ cao như các quận Bình Tân, Quận 4, Quận 12, huyện Bình Chánh, các khu nhà trọ, nơi tập trung đông dân cư.
Thành phố Hồ Chí Minh đang ở thời điểm bình thường mới, có nghĩa là sống chung với dịch COVID-19, thậm chí là chuẩn bị tinh thần sống chung với biến thể mới Omicron.
Vì vậy, đòi hỏi các cấp lãnh đạo phải có tư duy mới. "Nếu cứ loay hoay ứng phó, vẫn mang tính bị động, mà cần sáng tạo, kiến tạo cho cuộc sống phát triển. Cán bộ và người dân phải chủ động hơn, có tâm thế kiến tạo, có phương pháp mới, có hành động mới để vượt qua khó khăn. Với tinh thần mỗi người là một chiến binh, đã nói là phải hành động, hành động phải quyết liệt và thần tốc, có sự phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo sự bình yên trong thời điểm cuối năm và chuẩn bị đón Tết 2022," ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh./.