Chăm sóc dài hạn ngày càng có vai trò quan trọng ở Việt Nam do dân số già hóa nhanh và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng.
Tỷ lệ sử dụng giường bệnh ở Việt Nam rất cao, thường xuyên ở mức gần 100%, đặc biệt là ở các bệnh viện trung ương và tỉnh, dẫn tới quá tải nghiêm trọng và phản ánh cho thấy hệ thống y tế còn tập trung nhiều vào các bệnh viện.
Do đó, việc xử lý nghiêm sai phạm tại các cơ sở y tế sẽ góp phần lành mạnh hóa hệ thống, tạo môi trường thuận lợi cho các bệnh viện công "sống khoẻ," nâng chất lượng dịch vụ phục vụ người dân.
Chi tiền túi của người bệnh vẫn cao nhất
Việt Nam là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp ở Đông Nam Á với dân số hơn 97 triệu người. Hiện nay, dân số Việt Nam đã được bao phủ bởi bảo hiểm y tế. Mục tiêu của Chính phủ là bao phủ y tế toàn dân và chỉ tiêu bao phủ kế tiếp là 95% vào năm 2025. Hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
[Bài 1: Người bệnh và nỗi lo “trả tiền” cho quyền lợi chính đáng]
Trong 10 năm qua, tổng chi ngân sách nhà nước cho y tế trong tổng chi thường xuyên cho y tế đã tăng đáng kể, chiếm tới 45,6% năm 2018. Trong nhiều năm gần đây, chính phủ quyết định mức tăng trưởng phân bổ ngân sách cho y tế cao hơn so với mức tăng trưởng của tổng ngân sách nhà nước (Nghị Quyết số 18 của Quốc hội).
Tuy nhiên, chi tiêu từ tiền túi của người bệnh chiếm tới 44,9% trong tổng chi cho y tế đang là một thách thức đối với việc đạt được sự bền vững về tài chính và bao phủ y tế toàn dân. Chi tiêu cho y tế từ bảo hiểm y tế tự nguyện còn rất thấp, đạt 4,1% năm 2018.
Chi tiêu cho y tế tại Việt Nam qua các năm:
Thống kê cho thấy khoảng 60%-70% người tham gia bảo hiểm y tế sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh; tần suất khám chữa bệnh của người dân từ 2-2,1 lần/năm. Tuy nhiên, cho dù đã có nhiều nỗ lực tăng tài chính công, chi trả từ tiền túi hộ gia đình (OOP) của Việt Nam vẫn chiếm gần một nửa tổng chi cho y tế năm 2018 và có xu hướng tăng trong 10 năm gần đây.
[Bài 2: Người dân thiếu thuốc, bệnh viện 'sợ sai': Nguyên nhân là tại cơ chế?]
Có thể kể đến một số yếu tố ảnh hưởng đến mức chi trả tiền túi cao như người có thẻ bảo hiểm vẫn phải chi trả từ tiền túi cho thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật không nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế thanh toán hoặc các dịch vụ cung cung cấp dưới hình thức xã hội hóa - liên danh liên kết - công tư tại các bệnh viện công; giá thuốc và vật tư y tế chưa được quản lý hiệu quả, việc sử dụng thuốc và thủ thuật y khoa chưa hợp lý, bao gồm kê quá nhiều thuốc và sử dụng quá mức dịch vụ kỹ thuật cao.
Theo thống kê mới đây của Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), tổng chi cho y tế tại Việt Nam (năm 2018) là 17,4 tỷ USD, trong đó quỹ bảo hiểm y tế chiếm tỷ lệ 24% (với 4,1 tỷ USD), chi tiền túi của người bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất - 40% (với 6,9 tỷ USD), ngân sách nhà nước chiếm 36% (với 6,3 tỷ USD).
Thống kê về tổng chi tiêu y tế tại Việt Nam năm 2018 (Nguồn: Bộ Y tế; Đơn vị:%):
Như vậy, nhìn vào bức tranh chi tiêu y tế của Việt Nam có thể thấy chi tiền túi của người dân chiếm nhiều nhất trong tổng chi. Vì vậy, nếu tình trạng thiếu thuốc vật tư y tế này ngày càng gia tăng thì đây sẽ trở thành một vấn đề rất đáng lo ngại. Đặc biệt, người nghèo nếu bị ốm thì sẽ càng gặp nhiều khó khăn trong thoát nghèo, gây ra một hậu quả có thể là thảm họa; nếu người cận nghèo ốm một trận thì có thể thành người nghèo.
Cái giá của việc “nhắm mắt làm sai”
Thời gian gần đây, hàng loạt các quan chức y tế ở các địa phương và cả ở trung ương đã bị khởi tố, bắt giam vì những sai phạm liên quan đến việc đấu thầu, mua sắm vật tư y tế, thuốc men; đặc biệt là đợt dịch COVID-19 trong hai năm 2020 và 2021.
Nhìn lại những vụ bê bối trong ngành y tế vài năm trở lại đây, từ vụ bắt tay nâng khống nhiều lần giá vật tư thiết bị y tế tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội; việc liên kết xã hội hóa máy móc thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai; các sở y tế Cần Thơ, Sơn La... và điển hình nhất là là vụ nâng giá kit test của Công ty Việt Á cho thấy đã đến lúc cần nhìn lại hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương.
Tại cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị phải xử lý nghiêm các sai phạm xảy ra trong lĩnh vực y tế.
Trong số đó, vụ việc của Công ty Việt Á gây chấn động trong ngành y tế Việt Nam qua vụ thổi giá bộ xét nghiệm COVID-19 và chi hoa hồng rất lớn cho các đơn vị mua mặt hàng này của công ty trong đại dịch. Đến nay, có khoảng 70 người bao gồm cả các quan chức Bộ Y tế, Bộ Khoa học-Công Nghệ, Học viện Quân Y, lãnh đạo các Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC), bệnh viện trên cả nước đã bị khởi tố hay bị bắt giam do liên quan đến vụ việc Việt Á.
Việc khởi tố những lãnh đạo cao nhất cấp bộ hoặc lãnh đạo y tế tại các địa phương cho thấy quyết tâm bài trừ tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, các vụ việc cũng cảnh báo về những thách thức rất lớn liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi chính bản thân những người đứng đầu lại vi phạm các quy định.
Sự việc trên cũng khiến không ít người làm trong ngành y tế phải “xem xét lại,” tính toán lại trong các khâu, thủ tục của đấu thầu để tránh tình trạng làm sai và sâu xa hơn là không thể xảy ra hiện tượng tham nhũng.
Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng-an ninh của Quốc hội, cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm dù đã được giao quyền tự chủ.
Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí thì thẳng thắn: “Tôi đã từng làm công tác quản lý trong ngành y và cũng là đại biểu Quốc hội, tôi nhận thấy nguyên nhân sâu xa là trong hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn nhiều chỗ còn thiếu, bất cập, không cập nhật kịp với tình hình. Bên cạnh đó, cũng có yếu tố nhiều cán bộ sai phạm khi làm, đặc biệt trong quá trình chống dịch … Bởi vậy, những người làm quản lý cần phải nhìn nhận lại.”
Rõ ràng, những vụ việc liên quan tới tham nhũng trong ngành y tế được phanh phui như hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với những cán bộ, những người có chức quyền trong ngành y tế. Đây cũng là bài học đau xót để ngành y rút kinh nghiệm sâu sắc và làm sao sớm vận hành lại hệ thống chuẩn chỉnh trong công tác phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Có nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao trách nhiệm lương tâm của mỗi người thầy thuốc để làm sao hài hòa được lợi ích của người bệnh. Không nên để nhiều người cho rằng bao năm qua các bệnh viện đều rất “nhiệt tình” không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, khi ngành y tế bị “sờ gáy” không ai còn dám “nâng giá kiếm lời” được thì mặc kệ người bệnh chịu thiệt vì sợ trách nhiệm./.
Mời độc giả đón đọc toàn bộ loạt bài:
Bài 1: Người bệnh và nỗi lo “trả tiền” cho quyền lợi chính đáng
Bài 2: Người dân thiếu thuốc, bệnh viện 'sợ sai': Nguyên nhân là tại cơ chế?
Bài 3: Sợ “bóng ma” tham nhũng: Khi người làm quản lý phải nhìn nhận lại
Bài 4: Giải bài toán thuốc, vật tư y tế: Cần hành lang pháp lý phù hợp