Slovenia cuối cùng đã lập chính phủ liên minh mới

Sau nhiều tháng lâm vào khủng hoảng chính trị, ngày 13/3, bốn chính đảng của Slovenia đã thành lập một chính phủ liên minh mới.
Sau nhiều tháng lâm vào khủng hoảng chính trị, ngày 13/3, bốn chính đảng của Slovenia đã thành lập một chính phủ liên minh mới.

Bốn chính đảng trên gồm đảng Slovenia Tích cực (Positive Slovenia) của ông Zoran Yankovich - Thị trưởng thủ đô Ljubljana, đảng Dân chủ xã hội mà cựu Thủ tướng Borut Pahor là thành viên, đảng Dân chủ của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Karla Eryav và đảng Vũ đài Công dân của cựu Chủ tịch Quốc hội Slovenia Gregor Virant.

Sau khi các chính đảng ký kết thỏa thuận liên minh, tân Thủ tướng Slovenia, bà Alenka Bratusek đã bày tỏ sự hài lòng, thỏa thuận cho thấy các đảng đã vì lợi ích của công dân Slovenia và đất nước. Lãnh đạo các đảng khác trong liên minh cũng hy vọng liên minh mới sẽ giúp cải thiện tình hình Slovenia.

Trong ngày 14/3, bà Bratusek đệ trình Quốc hội danh sách nội các. Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua thành phần nội các vào tuần tới.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Slovenia xảy ra sau khi Ủy ban chống tham nhũng nhà nước công bố báo cáo Thủ tướng Slovenia Janez Jansa che giấu khoản thu nhập hơn 200.000 euro và lãnh đạo đảng Slovenia Tích cực che giấu khoản thu nhập 2,4 triệu euro, dẫn đến việc 3 đảng rút khỏi liên minh cầm quyền (gồm 5 đảng) và chính phủ trở thành thiểu số khi chỉ chiếm 1/3 số ghế trong Quốc hội.

Bà Bratusek năm nay 42 tuổi, là người phụ nữ đầu tiên được chỉ định giữ chức Thủ tướng ở nước cộng hòa này, là thành viên đảng đối lập lớn nhất Slovenia Tích cực và trúng cử Quốc hội năm ngoái sau gần 10 năm làm ủy viên hội đồng địa phương. Trong cương lĩnh hành động đọc trước Quốc hội, bà Bratusek cam kết thúc đẩy kinh tế và ổn định tài chính.

Slovenia gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2004 và Khu vực đồng euro (Eurozone) năm 2007. Quốc gia nhỏ bé này từng được coi là "mô hình thành viên mới trong EU và Eurozone" với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5%.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Slovenia, khiến nợ nhà nước tăng hơn gấp đôi trong thời gian từ năm 2007-2011, để lại cho chính phủ mới "di sản" là một hệ thống ngân hàng ngập trong nợ xấu và có thể cần trợ giúp tài chính từ bên ngoài./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục