Slovakia xác nhận đường ống khí đốt Druzhba tạm ngừng hoạt động

Dòng dầu mỏ mà Nga cung cấp cho Slovakia đã bị công ty Ukrtransnafta của Ukraine chặn lại, sau khi khoản thanh toán cho hoạt động trung chuyển do công ty Transneft của Nga thực hiện đã được trả lại.
Slovakia xác nhận đường ống khí đốt Druzhba tạm ngừng hoạt động ảnh 1Trạm trung chuyển khí đốt lớn nhất châu Âu OGE ở Werne, miền Tây Đức ngày 15/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Công ty điều hành đường ống dẫn dầu Transpetrol của Slovakia ngày 9/8 cho biết dòng dầu mỏ mà Nga cung cấp cho Slovakia đã bị công ty Ukrtransnafta của Ukraine chặn lại, sau khi khoản thanh toán cho hoạt động trung chuyển do công ty Transneft của Nga thực hiện đã được trả lại cho công ty này.

Trong bức thư điện tử trả lời câu hỏi của hãng tin Reuters, công ty Transpetrol nêu rõ: "Hiện việc vận chuyển dầu mỏ bằng đường ống Druzhba hướng tới một số nước phía Tây qua lãnh thổ Slovakia đang bị tạm dừng."

Trước đó, cùng ngày, công ty Transneft cho biết hoạt động cung cấp dầu mỏ của Nga cho Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc qua lãnh thổ của Ukraine đã phải tạm dừng ngày 4/8 do các lệnh trừng phạt cản trở việc thanh toán.

[Đức hoan nghênh kế hoạch khí đốt khẩn cấp của Liên minh châu Âu]

Mero - công ty sở hữu và vận hành nhánh phía Nam trên lãnh thổ Séc của tuyến đường ống dẫn dầu Druzhba ngày 9/8 cho biết nguồn cung dầu qua nhánh này tới Séc sẽ được nối lại trong vài ngày tới.

Trong trường hợp cần thiết, Séc sẵn sàng sử dụng lượng dầu dự trữ để đảm bảo nhà máy lọc dầu ở Litvinov hoạt động trong 90 ngày.

Trong khi đó, phía Slovakia khẳng định không nhận được dầu từ nhánh phía Nam của đường ống Druzhba và đang đàm phán với phía Nga và Ukraine nhằm khôi phục nguồn cung.

Trước đó, công ty vận hành tuyến đường ống Druzhba là Transneft của Nga hôm 4/8 thông báo hoạt động vận chuyển dầu của Nga qua nhánh phía Nam tuyến đường ống này tới Séc đã bị tạm ngừng.

Ngày 9/8, Transneft cho biết khoản thanh toán cho hoạt động trung chuyển dầu trong tháng 8 đã được chuyển cho công ty điều hành Ukrtransnafta của Ukraine từ tháng 7. Tuy nhiên, khoản tiền này đã bị hoàn trả vào tài khoản của Transneft.

Ngân hàng Gazprombank, phụ trách xử lý các giao dịch thanh toán, xác nhận số tiền được trả lại do các quy định hạn chế của Liên minh châu Âu (EU). Ukrtransnafta hiện chưa đưa ra bình luận về vụ việc.

Cơ quan dự trữ nhiên liệu nhà nước (SSHR) của Séc hiện chưa tính đến khả năng kích hoạt kho dự trữ dầu khẩn cấp.

Chủ tịch SSHR Pavel Svagr đang theo dõi tình hình và sẵn sàng sử dụng lượng dầu dự trữ nhằm đảm bảo cho nhà máy lọc dầu Litvinov của công ty Unipetrol hoạt động trong khoảng 90 ngày.

Trong khi đó, hãng vận chuyển dầu Transpetrol và nhà máy lọc dầu Slovnaft của Slovakia xác nhận nguồn cung dầu cho Slovakia quan nhánh phía Nam của Druzhba đã bị ngừng trệ.

Do đó, nhà máy lọc dầu Slovnaft và công ty mẹ MOL đã bắt đầu đàm phán với các bên Ukraine và Nga nhằm khôi phục nguồn cung.

Tuyến đường ống Druzhba bắt đầu từ bờ Đông sông Volga của Nga và chia thành 2 nhánh ở Belarus, trong đó nhánh phía Bắc dẫn đến Ba Lan và Đức, nhánh phía Nam đi qua Ukraine đến Hungary, Slovakia và Séc.

Theo hãng thông tấn Interfax, hoạt động cung ứng dầu qua nhánh phía Bắc vẫn diễn ra bình thường.

Nga cung cấp khoảng 250.000 thùng dầu mỗi ngày qua nhánh phía Nam của Druzhba. Các khách hàng chính là công ty Unipetrol của Séc (do tập đoàn PKN Orlen của Ba Lan kiểm soát) và tập đoàn hóa dầu MOL của Hungary (sở hữu công ty Slovnaft của Slovakia).

Các nhà cung cấp dầu chính qua nhánh này gồm Lukoil, Rosneft và Tatneft của Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Thủ tướng Scholz cho rằng hydro là giải pháp công nghệ thực tế, hiệu quả, giúp nước Đức bảo vệ chủ quyền và thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga. Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là sử dụng công nghệ hydro trên quy mô lớn, công nghiệp.

Đức đang tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Theo Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga đã giảm xuống mức 26% vào cuối tháng 6, so với mức trung bình 55% trước đó.

Thay vì nguồn khí đốt Nga, Đức đã tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Hà Lan và Na Uy cũng như nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục