SIPRI: Ấn Độ tiếp tục là nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới

Nga tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ - chiếm 36% lượng nhập khẩu vũ khí của New Delhi, mặc dù thị phần tổng thể của nước này đã giảm.

Các xe tăng tham gia cuộc diễu hành nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Cộng hòa tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ ngày 26/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các xe tăng tham gia cuộc diễu hành nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Cộng hòa tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ ngày 26/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy, trong giai đoạn 2019-2023, Ấn Độ vẫn là nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm 9,8% doanh số bán vũ khí toàn cầu.

Điều này diễn ra bất chấp những nỗ lực không ngừng của New Delhi nhằm củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng trong nước.

Cũng theo báo cáo của SIPRI, Nga tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ - chiếm 36% lượng nhập khẩu vũ khí của New Delhi, mặc dù thị phần tổng thể của nước này đã giảm do Ấn Độ ngày càng phụ thuộc vào các nước phương Tây và các nhà cung cấp bản địa; tiếp theo là Pháp (33%), Mỹ (13%), Saudi Arabia (8,4%), Qatar (7,6%), Ukraine (4,9%), Pakistan (4,3%), Nhật Bản (4,1%), Ai Cập (4%), Australia ( 3,7%), Hàn Quốc (3,1%) và Trung Quốc (2,9%).

Trước đó, nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ chiếm 11% doanh số bán vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2018-2022. Con số này đã giảm nhẹ xuống còn 9,8% trong giai đoạn 2019-2023.

Đáng chú ý, bất chấp nỗ lực của Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi trong việc xây dựng cơ sở công nghiệp quốc phòng vững mạnh, Ấn Độ vẫn không nằm trong số 25 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu.

Phát biểu tại sự kiện DefConnect 2024 được khai mạc sáng 4/3 ở thủ đô New Delhi, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy sản xuất trong nước và cho rằng New Delhi không thể tiếp tục phụ thuộc vào việc nhập khẩu khí tài quân sự.

Bộ trưởng Singh nêu bật những vấn đề mà Ấn Độ phải đối mặt trong quá khứ do phụ thuộc vào nhập khẩu quốc phòng.

Ông đồng thời nhấn mạnh sản lượng quốc phòng trong nước đã đạt con số kỷ lục là hơn 12 tỷ USD, tăng từ khoảng 5,3 tỷ USD của năm 2014. Theo quan chức này, việc phụ thuộc vào khí tài quân sự nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến vấn đề duy trì quyền tự chủ chiến lược.

Bộ trưởng Singh nêu rõ trước năm 2014, phần lớn thiết bị quốc phòng của Ấn Độ là nhập khẩu.

Theo ông, Ấn Độ cần tiếp tục khuyến khích giới trẻ đưa ra những ý tưởng đổi mới mà Sáng kiến Đổi mới vì sự xuất sắc của quốc phòng (iDEX) là một minh chứng cho nỗ lực tăng cường đổi mới và công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng. Bên cạnh đó, quan chức này cho rằng Ấn Độ cần một hệ sinh thái dành cho nghiên cứu và phát triển công nghệ quốc phòng.

vu khi2.JPG
Xe tăng-pháo phòng không Gepard tại căn cứ quân sự ở Todendorf, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cũng theo SIPRI, các nước châu Âu đã nhập lượng vũ khí tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 5 năm từ năm 2019 đến 2023 so với 5 năm trước đó.

Theo nghiên cứu trên, lượng vũ khí châu Âu nhập khẩu từ năm 2019 đến năm 2023 đã tăng 94% so với giai đoạn từ năm 2014 đến 2018.

Sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga năm 2022, Ukraine nổi lên là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất châu Âu và xét trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, Ukraine là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới.

Cũng theo SIPRI, trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023, lượng xuất khẩu vũ khí của Mỹ đã tăng 17%, trong khi lượng xuất khẩu vũ khí của Nga giảm 53%. Chỉ tính riêng trong năm 2023, lượng xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm 52% so với năm 2022.

Số lượng chuyển giao một số loại vũ khí lớn trên toàn cầu, như máy bay, tàu chiến, pháo, tên lửa đất đối không và xe tăng, giảm nhẹ 3,3% trong giai đoạn giữa năm 2014-2018 và 2019-2023.

Xuất khẩu vũ khí của Nga giảm đã giúp Pháp lần đầu tiên kể từ năm 1950 vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục