Sinh viên y dược và chuyến công tác đầu đời nơi tâm dịch COVID-19

Cô sinh viên y dược kết thúc mỗi ngày với đôi bàn tay nhăn nheo như vừa ngâm nước, đầu và tai đỏ ửng bởi sức ép của dây đeo khẩu trang. Và hôm sau, khi vết hằn còn chưa mờ, cô lại bắt đầu vào việc...
Sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương lên đường hỗ trợ nhân lực chống dich.

Hàng trăm sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng y ược trên cả nước đã được huy động tình nguyện lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh. Hành trang mà họ mang theo là sức trẻ, sự quyết tâm và niềm tin sớm đẩy lùi bệnh dịch bệnh COVID-19.

Xếp bút nghiên lao vào tâm dịch

Nguyễn Thị Kiều Chinh, cô sinh viên năm cuối chuyên ngành Xét nghiệm Y học là một trong số hàng trăm tình nguyện viên của Đại học Y-Dược Thái Nguyên “xếp bút nghiên” lên đường vào vùng dịch ở Bắc Ninh. Chinh được phân công về huyện Thuận Thành, một trong những ổ dịch COVID-19 lớn trong đợt dịnh bùng phát lần thứ 4 này.

Dẫu biết rằng chuyến tình nguyện có nhiều hiểm nguy đón đợi ở phía trước và chưa biết sẽ kéo dài bao lâu nhưng cô sinh viên năm cuối vẫn mạnh dạn đăng ký tham gia với quyết tâm bao giờ hết dịch thì mới về.

Chinh lên dây cót tinh thần, tự nhủ với bản thân đây là “chuyến công tác đầu đời” của mình, cũng là cơ hội giúp cô áp dụng kiến thức được học vào công việc hằng ngày, là bài học thực tiễn quý báu để đi làm sau khi ra trường.

Lần đầu mang bộ đồ bảo hộ kín mít, làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng, Chinh mới cảm nhận rõ sự khắc nghiệt của công việc. “Khi mặc bộ quần áo đó, mình không được ăn uống cũng đi như vệ sinh để đảm bảo vô khuẩn, tránh nhiễm bệnh cho bản thân,” quệt vệt mồ hôi trên trán, Chinh kể.

Các bạn sinh viên cùng đi tình nguyện thường đùa với nhau rằng, trong thời tiết 30-35 độ C ở Bắc Giang, bộ đồ bảo hộ kín mít bằng nilong như một “lò bát quái” thu nhỏ. Tóc tai, quần áo luôn ướt nhẹp như vừa mới tắm...

Những đôi bàn tay nhăn nheo như bị ngâm nước do đeo găng tay y tế quá lâu. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chỉ ngay sau một ngày đầu tiên, Chinh trở về phòng với đôi bàn tay nhăn nheo như vừa được ngâm nước. Đầu và tai cô đều đỏ ửng bởi sức ép của dây đeo khẩu trang, dây kính chống giọt bắn và cả gọng kính cận.

Khi vết hằn của khẩu trang trên mặt còn chưa mờ, ngay sáng hôm sau, Chinh cùng các bạn lại tiếp tục ngày làm việc mới.  

“Công việc không có giờ cố định, lúc nào tinh thần cũng sẵn sàng ‘chiến đấu,’ chỉ cần chờ lệnh là đi. Nhiều khi phải thử mẫu đến 2-3 giờ sáng, cơ thể thì đã mệt lả nhưng ý chí thì vẫn sung sức, quyết tâm chạy đua với thời gian để truy vết, kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19,” Chinh tâm sự.

Xúc động vì người dân nơi tâm dịch

Phương Thảo, cô sinh viên năm thứ hai Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương vẫn nhớ như in buổi sớm tinh mơ ngày 16/5 đã choàng tỉnh vì tiếng chuông báo điện thoại thông báo từ cô giáo trưởng khoa: “Dịch đang rất phức tạp, rất cần sự trợ giúp của lực lượng sinh viên trường mình.”

Không ngần ngại Thảo ngay lập tức đăng ký, sẵn sàng chi viện cho vùng dịch.

[Kêu gọi 125 cơ sở đào tạo y, dược toàn quốc hỗ trợ nhân lực chống dịch]

Tuy mới chỉ là sinh viên năm thứ 2 nhưng cô bạn đã có kinh nghiệm chống dịch COVID-19 sau đợt xung phong đi lấy mẫu tại Hải Dương: “Vì ở năm thứ hai, chúng em đã học các môn chuyên ngành và thêm nữa là được tập huấn rất kỹ trước khi thực hiện nhiệm vụ nên em và các bạn cảm thấy tự tin hơn. Lần đầu chống dịch ở Hải Dương còn lóng ngóng chưa quen việc, nhưng đến lần thứ 2 này, chúng em đã có kinh nghiệm rồi.”

Bùi Phương Thảo hào hứng tham gia công tác hỗ trợ phòng chống dịch. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Khối lượng công việc tại Bắc Giang cao gấp nhiều lần Hải Dương bởi quy mô đợt bùng phát dịch lớn hơn trước. Cường độ công việc tăng cao nhưng đối với Thảo điều khiến cô bạn bớt mệt mỏi sau ngày làm việc căng thẳng chính là tình người “nở hoa” giữa vùng dịch.

“Người dân Bắc Giang mến khách, tốt tính và rất quan tâm tới chúng em. Đoàn thanh niên và mọi người rất chu đáo, chuẩn bị đồ ăn, nước uống và đồ dùng cá nhân cho các y bác sỹ, không để chúng em thiếu bất kì thứ gì cả. Rất nhiều người dân đến ủng hộ, có người dành cả buổi sáng để làm hơn 200 chai nước ép mang đến tiếp sức cho đoàn. Em cảm ơn người dân Bắc Giang rất nhiều,” Thảo xúc động.

Nguyễn Hữu Trọng hiện đang sinh viên đa khoa năm thứ 5 của Học viên Quân Y cũng là một trong 65 sinh viên quân y đến hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch.

Trọng còn nhớ rất rõ buổi chiều nhận được lệnh báo động tập trung triển khai kế hoạch phòng chống dịch của Bộ Quốc phòng là vào Chủ Nhật, ngày 16/5. Ngay sau đó, công tác tập huấn phòng chống khẩn trương được tiến hành. Từ lúc có tên trong danh sách, Trọng chỉ có vẻn vẹn 3 tiếng để nhanh chóng sắp xếp tư trang, lên đường đến Bắc Giang, sẵn sàng lấy mẫu ngay trong đêm.

Do việc tập chung gấp rút nên Trọng không thể thông báo cho gia đình, cậu cũng thấp thỏm lo kế hoạch "tiền trảm hậu tấu" đăng ký tham gia chống dịch này có thể gây bất ngờ, lo lắng cho cha mẹ.

Các y, bác sĩ được người dân hỗ trợ di chuyển đến nơi xét nghiệm. (Ảnh nhân vật cung cấp)

“Ngạc nhiên là bố mẹ không hề phản đối mà còn động viên bảo em cố lên. Bố mẹ có một chút lo lắng về việc đảm bảo an toàn nhưng cũng khá yên tâm vì bọn em khá quen với những tình huống khẩn cấp và nguy hiểm như này rồi,” Trọng cười nói.

Chia sẻ về điều cảm thấy nhớ nhất trong chuyến đi này, Trọng trả lời ngay rằng đó là hình ảnh những đứa bé ngồi lấy xét nghiệm một mình tại khu cách ly.

“Các em còn rất nhỏ, có bé tầm 3-4 tuổi thôi nhưng lại cực kỳ dũng cảm, tự mình ngồi chờ mà không cần phụ huynh đi kèm. Đặc biệt là lúc lấy dịch tỵ hầu qua đường mũi, điều này rất khó chịu kể cả với người lớn mà các em vẫn kiên trì cho các bác sỹ lấy, không khóc nhè,” Trọng kể lại.

Trọng và các đồng đội trong những giờ giải lao. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Những hình ảnh đó khiến cả đoàn sinh viên và y bác sỹ rất cảm động và càng quyết tâm hơn để cùng nhau dập dịch, sớm mang lại cuộc sống yên bình cho nhân dân, để các em có những ngày tháng được rong chơi, vui vẻ cùng bạn bè chứ không phải cách ly ở nhà trong tình cảnh này.

“Vừa là người chiến sỹ, vừa là sinh viên ngành y, em và các đồng đội muốn cống hiến một phần nhỏ trong cuộc chiến chống đại dịch này, để nhân dân và gia đình được an toàn, sớm trở lại cuộc sống trước đây,” Trọng tâm sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục