Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 23/4, trong khuôn khổ “Tuần Việt Nam” do Ngôi nhà Nga về Hợp tác khoa học và kỹ thuật quốc tế, Viện Trung Quốc và châu Á đương đại trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, Trung tâm Thông tin khoa học Liên bang Nga phối hợp tổ chức đã diễn ra cuộc tọa đàm “Microphone mở,” nơi các sinh viên Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm trong học tập tiếng Nga, cũng như làm chủ kiến thức khi theo học tại các trường đại học của Liên bang Nga.
Các sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam tiêu biểu thuộc nhiều trường đại học ở Moskva đã chia sẻ những kinh nghiệm từ những ngày đầu khó khăn làm quen với tiếng Nga, đến khi có thể giao tiếp thông thạo, sử dụng tiếng Nga để học tập, làm chủ các kiến thức theo chuyên ngành của mình bằng nhiều hình thức thể hiện phong phú, súc tích, sáng tạo.
Tại cuộc trao đổi, hầu hết các sinh viên đều cho rằng việc nắm vững tiếng Nga là yếu tố quan trọng đầu tiên đối với các bạn sinh viên Việt Nam sang học tập tại Xứ sở Bạch Dương.
Theo các bạn, trong giai đoạn 8-9 tháng học dự bị tiếng đầu tiên khi mới sang Nga, mỗi sinh viên cần nỗ lực học tiếng Nga, tăng cường tiếp xúc, giao tiếp, học hỏi và nghiên cứu văn hóa Nga để tiếp thu vốn tiếng Nga đủ phục vụ việc học tập trong những năm chuyên ngành tiếp theo.
[Giải bóng đá mùa Xuân sôi động của sinh viên Việt Nam tại Nga]
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bạn Trần Đức Tùng, nghiên cứu sinh Đại học Kinh tế mang tên Plekhanov, cho biết trong hơn 12 năm, bạn được học tập trong môi trường rất thân thiện, điều kiện vật chất tốt và hiện đại, được tiếp xúc với rất nhiều giảng viên, cũng như các tiến sỹ, giáo sư của Liên bang Nga.
Trong quá trình học, các thầy cô rất tạo điều kiện giúp đỡ cho sinh viên Việt Nam, cũng như sinh viên nước ngoài. Do đặc thù tiếng Nga rất khó và môi trường văn hóa khác biệt nên nhà trường luôn tạo cho du học sinh những điều kiện tốt nhất.
Ngoài học tập, nhà trường cũng tạo môi trường để hoạt động thể thao, văn nghệ, giúp cho sinh viên được giao lưu, trao đổi và phát triển hơn, đặc biệt là trao đổi về ngôn ngữ, văn học cũng như văn hóa.
Theo bạn Tùng, những khó khăn về ngôn ngữ và môi trường sống mới đã tạo cho các du học sinh Việt Nam ở Nga tính tự lập và tự học cao. Vì trên lớp rào cản là ngôn ngữ, nên về nhà các bạn sinh viên phải học tập nhiều hơn, trau dồi kiến thức nhiều hơn. Các bạn vừa đọc tài liệu bằng tiếng Nga, đồng thời tham khảo tài liệu bằng tiếng Việt để đảm bảo nắm chắc được các từ khóa, cũng như những khái niệm về chuyên môn.
Bạn Nguyễn Khắc Hòa, nghiên cứu sinh bộ môn Opera tại Học viện Âm nhạc Gnesin, người đã giành được nhiều giải thưởng âm nhạc, đã nhấn mạnh tới sự cần cù trong học tiếng Nga.
Bạn chia sẻ: “Em nghĩ rằng không chỉ mỗi mình em mà tất cả các bạn sinh viên Việt Nam khi quyết định đến nước Nga học tập đều đã có định hướng trước cho việc học tiếng Nga của mình. Cho nên để có được tiếng Nga hoàn chỉnh và mình hát làm sao để người Nga hiểu là công việc hàng ngày, hàng giờ, và sự chú ý trong phong cách nói của mình cũng rất quan trọng để mình có được phong cách nói tiếng Nga tốt cho bản thân mình.”
Bạn Nguyễn Khắc Hòa cũng chia sẻ Liên bang Nga là đất nước có kho tàng văn hóa đồ sộ để tất cả các bạn sinh viên, không chỉ sinh viên Việt Nam, có cơ hội khám phá, hiểu biết hơn về đất nước con người Nga.
Các diễn giả trong buổi tọa đàm cũng bày tỏ mong muốn rằng sẽ ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam được sang Liên bang Nga học tập và tìm hiều về nền văn hóa phong phú, con người Nga đôn hậu trong bối cảnh hàng năm Chính phủ Liên bang Nga đang cấp 1.000 học bổng cho các lưu học sinh Việt Nam sang học tập.
Trong ngày 23/4, ngày cuối cùng của “Tuần Việt Nam” tại Moskva cũng diễn ra các hoạt động như trình diễn Thư pháp, dạy gấp giấy, làm hoa, giới thiệu nét ẩm thực, các bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc Việt Nam tới bạn bè quốc tế, kết thúc thành công một tuần nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Nga-Việt Nam trong nhiều lĩnh vực./.