Là một dự án trong khuôn khổ môn Hoạt hình Pixilation, một trong những môn học chuyên ngành thuộc chương trình Cử nhân Thiết kế (Truyền thông số) của Đại học RMIT Việt Nam, phim ngắn “Safari” đã được hai sinh viên năm cuối Nguyễn Hoàng Phúc Nghi và Nguyễn Cát Vũ đầu tư tỉ mỉ từng chi tiết.
Đại học RMIT Việt Nam cho hay phim vừa đoạt giải Phim hoạt hình xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Nature Without Borders – NWBIFF (Hoa Kỳ) hồi tháng Hai vừa qua.
"Safari" là một phim ngắn thuộc thể loại hoạt hình tĩnh vật (stop motion) cho người xem trải nghiệm hành trình khám phá các môi trường sống tự nhiên. Hành trình được thể hiện qua mắt nhìn của một du khách chứng kiến vùng đất bị con người hủy hoại từ nạn phá rừng và săn bắn động vật. Bằng cách đặc tả sự tàn phá hệ thực vật và động vật do nhu cầu của con người, bộ phim góp phần nâng cao nhận thức về tính cấp bách của việc bảo vệ môi trường tự nhiên.
Giới thiệu về phim của mình, hai sinh viên cho hay phim sử dụng kết hợp các kỹ thuật cắt giấy, đổ bóng và hoạt hình. Dự án là một quá trình đầy thử thách và tốn thời gian, đòi hỏi sự công phu và kiên nhẫn của cả hai. Từ hình tượng nhân vật, chất liệu, kỹ thuật tạo hình đều được các sinh viên tính toán, cân nhắc để gửi gắm, làm nổi bật thông điệp chủ để của phim là bảo vệ môi trường.
[Miss Intercontinental Bảo Ngọc là đại sứ Ngày Trái Đất 2023]
Nguyễn Hoàng Phúc Nghi chia sẻ: “Hầu hết các hình tượng sử dụng trong dự án này đều được tạo ra bằng kỹ thuật cắt giấy. Chúng em chọn kỹ thuật này vì nó tượng trưng cho cách con người đang tàn phá thiên nhiên. Để nhấn mạnh điểm này hơn nữa, chúng em đã tạo thêm kết cấu trên bề mặt giấy. Giấy cắt được sử dụng để tạo bóng đen, vốn là nhân vật chính trong dự án này. Bóng tối thường đại diện cho những khía cạnh tiêu cực và trong phim ngắn này, chúng em sử dụng bóng tối để làm nổi bật tác động tiêu cực của các hoạt động hủy hoại đối với môi trường.”
Quá trình thực hiện dự án cũng giúp cho các sinh viên có những trải nghiệm, bài học kỹ năng khi va vấp và phải giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Nguyễn Cát Vũ cho hay trong suốt hành trình thực hiện, hai bạn đã học được nhiều điều mới về cách xử lý ánh sáng, đổ bóng và màu sắc.
“Chúng em phải quay trong bóng tối mới có được một số hiệu ứng đặc biệt. Điều này gây khá nhiều khó khăn cho việc ghi lại cảnh quay. Vì thế, trước và trong quá trình làm việc, chúng em gặp phải những vấn đề như thiếu thời gian, chất lượng cảnh quay chưa tốt, phải quay lại, và khối lượng công việc lớn cần phải xử lý. Tuy nhiên, chúng em đã tìm ra được cách cải thiện và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Tác phẩm cuối cùng thực sự xứng đáng với công sức mà chúng em bỏ ra,” Vũ nói.
Thạc sỹ Ricardo Arce-López, Chủ nhiệm bộ môn Thiết kế (Truyền thông số) RMIT, giảng viên môn Hoạt hình, đã cố vấn cho Nghi và Vũ trong suốt dự án của hai bạn. Theo ông, chương trình Thiết kế (Truyền thông số) luôn tập trung vào các dự án thực hiện tại studio thực hành, lấy sự hợp tác, tư duy trực quan và học tập qua trải nghiệm làm trọng tâm.
Đánh giá về dự án của học trò, thạc sỹ Ricardo Arce-López cho rằng phim ngắn ‘Safari’ cho thấy sức mạnh của tính sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề môi trường. Phim không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà đồng thời là một lời nhắc nhở về ảnh hưởng của nạn phá rừng và săn bắn động vật hoang dã, đặc biệt trong dịp cả thế giới đang hướng về Ngày Trái Đất 22/4.
Cũng theo thạc sỹ Ricardo Arce-López, phim ngắn này đang được gửi đi tham dự thêm nhiều liên hoan phim quốc tế khác với hy vọng lan tỏa hơn nữa thông điệp ý nghĩa./.
Dưới đây là trailer phim "Safari":