Sinh viên tham gia sáng tạo ký họa về Văn Miếu-Quốc Tử Giám

Cuộc thi Ký họa Văn Miếu-Quốc Tử Giám được tổ chức nhằm tìm kiếm những tác phẩm ký họa đẹp, giàu ý tưởng về các công trình kiến trúc, tượng thờ, hiện vật, khung cảnh,…của Di tích Quốc gia Đặc biệt.
Văn Miếu là nơi sinh viên các ngành mỹ thuật, kiến trúc thường tới để thực hành ký họa, trực họa. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 3/12, cuộc thi Ký họa Văn Miếu-Quốc Tử Giám được phát động, hướng tới đối tượng là các bạn trẻ, sinh viên thuộc các trường đào tạo kiến trúc, mỹ thuật tại Việt Nam.

Cuộc thi sẽ diễn ra từ nay đến ngày 31/12. Lễ trao giải và trưng bày tác phẩm dự kiến được tổ chức vào ngày 14/1 năm 2021. Giải nhất của cuộc thi trị giá 10 triệu đồng.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, ông Lê Xuân Kiêu, cho biết đây là cơ hội để các bạn sinh viên cùng nhau sáng tạo, cùng nhau tranh tài. Các bạn trẻ sẽ phát huy bồi dưỡng tài năng mỹ thuật, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê hội họa cũng như quan tâm tìm hiểu về Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám nói riêng và di sản văn hóa nói chung.

“Ý tưởng tổ chức cuộc thi đến từ chính những bạn sinh viên thường đến Văn Miếu để thực hành,” ông Kiêu cho biết.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, ông Lê Xuân Kiêu, phát biểu tại lễ phát động. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Nhận thấy nhiều du khách thích thú ngắm nhìn Văn Miếu qua nét ký họa của các bạn trẻ, chúng tôi bỗng nảy ra ý định tổ chức cuộc thi này. Văn Miếu-Quốc Tử Giám là một di sản quý giá, vậy phải làm sao để nơi đây trở thành không gian sáng tạo, trung tâm của các hoạt động văn hóa.”

“Chúng tôi hy vọng cuộc thi không chỉ là sân chơi sáng tạo cho những sinh viên yêu thích mỹ thuật mà còn góp phần vào việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa Việt Nam,” ông Kiêu nói thêm.

[Văn Miếu-Quốc Tử Giám - Biểu tượng của giáo dục Nho học Việt Nam]

Cố vấn nghệ thuật của cuộc thi, tiến sỹ Trần Hậu Yên Thế, cho biết các tác phẩm dự thi sẽ trở thành nguồn thông tin giúp khách tham quan hiểu hơn về di tích một cách sống động và đa chiều hơn.

“Văn Miếu-Quốc Tử Giám là cảm hứng sáng tác của các bạn và tác phẩm của các bạn sẽ truyền cảm hứng cho những người yêu mến quan tâm đến di tích,” tiến sỹ Trần Hậu Yên Thế cho biết.

“Tôi tin rằng, các thí sinh sẽ không chỉ biểu đạt những hình ảnh kiến trúc quen thuộc mà còn thể hiện cảm xúc và góc nhìn đa dạng ở những bậc thềm, mảng trang trí chạm khắc và các hoạt động diễn ra tại đây. Chúng tôi cũng khuyến khích các em thể hiện nhiều kỹ thuật như bút sắt, bút bi, bút chì...”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục