"Sinh viên đi thực tập phải được ứng xử như một nhân sự trưởng thành"

Theo Tiến sỹ Đồng Xuân Đảm, chương trình thực tập xen kẽ giữa các kỳ học sẽ giúp sinh viên Việt Nam sẵn sàng bước chân vào thị trường lao động quốc tế như một nhân sự trưởng thành.
Tiến sỹ Đồng Xuân Đảm, Giám đốc điều hành Chương trình UWE Bristol, Phenikaa Campus, nguyên Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế-Đại học Kinh tế Quốc dân (2016-2021).

"Sinh viên phải thực tập thực tế trong môi trường làm việc để có trách nhiệm và ứng xử như một nhân sự trưởng thành, từ đó, các bạn mới hiểu rõ bối cảnh làm việc và linh hoạt thích ứng khi bước chân vào thị trường lao động."

Đó là nhận định của Tiến sỹ Đồng Xuân Đảm, Giám đốc điều hành Chương trình UWE Bristol, Phenikaa Campus, nguyên Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế-Đại học Kinh tế Quốc dân (2016-2021), người có nhiều năm kinh nghiệm trong cộng đồng giáo dục đại học Việt Nam với việc xây dựng các chương trình đào tạo nguyên bản-liên quốc gia trong cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề thực tập COOP hợp tác giữa doanh nghiệp và đào tạo cho sinh viên.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Thưa Tiến sỹ, là người tiên phong khai sinh ra các chương trình đào tạo quốc tế nguyên bản, thực tập COOP có trả lương cho sinh viên, Tiến sỹ có thể miêu tả quá trình hình thành ý tưởng đem mô hình đào tạo này về Việt Nam?

Tiến sỹ Đồng Xuân Đảm: Mùa Hè năm 2017, con gái tôi đi du học, như các bậc phụ huynh khác, tôi cũng đau đầu với bài toán chọn trường đại học. Sau đó, qua quá trình tìm hiểu, tôi phát hiện rằng ngay cả ở các nước có thu nhập cao cũng ít các trường đại học liên kết với doanh nghiệp xây dựng các chương trình thực tập trả lương (COOP).

Thực tập không lương thì chỉ là thực tập sinh, như vậy sinh viên khó có cơ hội được đổi xử như một nhân sự trưởng thành. Vậy khi sinh viên ra trường, làm sao có thể xin được việc, nhất là với sinh viên quốc tế như con gái tôi? Từ đó, tôi và gia đình đặt COOP là điều kiện tiên quyết khi chọn trường đại học cho con.

Chính lý do này khiến tôi tìm hiểu hệ thống giáo dục đại học của các trường tại bang Ontario (Canada) nơi mà hầu hết các trường đại học và cao đẳng đều có chương trình COOP, tức là chương trình thực tập trả lương được sắp xếp xen kẽ giữa các kỳ học được làm việc trong môi trường thực tế, cho phép sinh viên liên tục cập nhật thông tin thị trường song song với ứng dụng kiến thức đang học vào giải quyết các vấn đề.

Đối chiếu với các chương trình tại Việt Nam, tôi nhận ra vấn đề tương tự khi các chương trình học thiếu tính kết nối với thế giới việc làm, cùng với đó, các hoạt động thực tập chỉ được coi là nhiệm vụ học tập để tốt nghiệp.

Đó là lý do tại sao 3 năm trước, tôi bắt đầu nghiên cứu xây dựng một chương trình liên kết đào tạo nguyên bản và nỗ lực tích hợp hoạt động kết nối doanh nghiệp, giúp sinh viên Việt Nam sẵn sàng bước chân vào thị trường lao động quốc tế như một nhân sự trưởng thành.

Muốn làm được vậy, ngoài chương trình học hiện đại và cập nhật, chúng ta cần tích hợp các hoạt động thực tập một cách nghiệm túc, có sự tham gia huấn luyện một cách chặt chẽ và khoa học của các chuyên gia tại doanh nghiệp. Chính trong bối cảnh này, mô hình thực tập COOP được thiết kế và tích hợp vào chương trình đào tạo của Đại học UWE Bristol (Vương Quốc Anh).

Tiến sỹ Đồng Xuân Đảm trong buổi giao lưu với sinh viên UWE Bristol-Phenikaa Campus.

- Trong 10 năm trở lại đây, chương trình liên kết đào tạo đã quen thuộc tại Việt Nam, làm sao thầy thuyết phục được sinh viên về ý tưởng chương trình liên kết đào tạo nguyên bản?

Tiến sỹ Đồng Xuân Đảm: Liên kết đào tạo cho phép các trường đại học Việt Nam tiếp cận được với công nghệ đào tạo và quản lý đào tạo tiên tiến, từ đó mở rộng cơ hội tiếp cận với những dịch vụ giáo dục quốc tế, chất lượng cao cho người học Việt Nam với chi phí hợp lý.

Tuy nhiên, sau nhiều năm tính cạnh tranh giữa các chương trình liên kết ngày một cao, số lượng sinh viên tốt nghiệp nhiều đặt ra bài toán về chất lượng đào tạo. Đây chính là cơ hội để tôi thuyết phục thành công các sinh viên và cả phụ huynh tham gia chương trình liên kết đào tạo nguyên bản tích hợp cấu phần phát triển tư duy, cơ hội trải nghiệm quốc tế và chương trình thực tập COOP.

Chương trình mà tôi muốn xây dựng phải có tính thách thức trong hành trình trải nghiệm sinh viên. Tức là làm sao để tạo môi trường học thật, làm thật, giúp cho các bạn có thể sẵn sàng đi làm đúng ngành học ngay sau khi tốt nghiệp.

Hành trình tìm kiếm đối tác phù hợp tư tưởng này khá khó khăn. Trong quá trình gặp gỡ tìm kiếm đối tác, năm 2021 tôi được biết về Đại học West of England Bristol (Vương quốc Anh).

Cùng với nguồn lực hệ sinh thái doanh nghiệp của Tập đoàn Phenikaa, chúng tôi đã xây dựng chương trình UWE Bristol-Phenikaa Campus.

Điểm khiến nhiều phụ huynh và học sinh bất ngờ và băn khoăn nhất là các em sẽ đi thực tập ngay từ năm thứ nhất. Điều này khiến nhiều sinh viên bị sốc vì vất vả hơn các chương trình ở trường công lập hoặc các chương trình liên kết khác.

Việc trải nghiệm thực tế trở thành nguyên tắc đào tạo trong 4 năm học. Các sinh viên được thực tập từ năm thứ nhất để học cách doanh nghiệp vận hành, năm thứ hai là về chuyên môn, để “khớp” lý thuyết với thực tế. Các sinh viên tiếp tục thực tập năm thứ ba để được các doanh nghiệp chỉ ra các điểm yếu. Đến năm thứ 4, các bạn sinh viên hoàn thiện những điểm tồn tại được chỉ ra.

Điều đáng mừng là dù mới có những lứa sinh viên đầu tiên tham gia chương trình nhưng trải qua 1-2 năm học đầu tiên, các bạn không còn ngại va chạm với sinh viên quốc tế. Thậm chí nhiều sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai vẫn có thể làm việc với sinh viên quốc tế bậc thạc sỹ.

Có thể thấy rằng việc lồng ghép thực tế doanh nghiệp vào chương trình đào tạo sẽ giúp sinh viên không biến thành “gà công nghiệp” như các doanh nghiệp thường nhận xét.

- Tiến sỹ có thể chia sẻ cụ thể hơn về những điểm khác biệt của UWE Bristol-Phenikaa Campus so với các chương trình đào tạo liên kết khác tại Việt Nam?

Tiến sỹ Đồng Xuân Đảm: Tôi lấy ví dụ, với sinh viên nhóm ngành kinh tế, các cấu phần thực tập thực tế và kỹ năng thích nghi đã cải thiện thái độ học tập khi các em được tiếp xúc thị trường từ sớm. Các em hiểu rằng mình cần làm gì và giúp gì cho thị trường để các em nghiêm túc hơn khi học chuyên ngành.

Còn với sinh viên sinh viên nhóm ngành công nghệ, các bạn thậm chí phải làm việc vất vả hơn các chương trình bằng tiếng Việt vì các dự án được thiết kế dưới dạng dự án.Chính vì vậy, nhiều sản phẩm Project-Based Learning của các bạn đã bám sát các sản phẩm thực tế của doanh nghiệp. Đây chính là những lợi thế cho các bạn sinh viên để xây dựng porfolio khi xin việc làm hoặc khi học lên cao hơn.

Chương trình UWE Bristol-Phenikaa Campus không đơn thuần nhập khẩu chương trình nguyên bản, mà chúng tôi luôn đảm bảo hai yếu tố nguyên bản và thực tiễn, để tạo ra nhân sự toàn diện.

Sinh viên tốt nghiệp chương trình sẽ nhận bằng Cử nhân chính quy do Đại học UWE Bristol cấp, được công nhận trên toàn thế giới, đồng thời, trong suốt quá trình học tập, chương trình học của các bạn cũng được cập nhật liên tục.

Điều này giúp các bạn sinh viên của Chương trình trở thành nguồn nhân sự chất lượng cao, linh hoạt làm việc trong các môi trường khác nhau và luôn được cập nhật tiêu chuẩn làm việc mới nhất của Anh quốc.

Tiến sỹ Đồng Xuân Đảm (thứ 4 từ trái qua) tham gia chuỗi Hội thảo tập huấn năng lực quốc tế hóa năng lực giáo dục đại học do Đại sứ quán Australia và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Hiện nay, chúng tôi đang bàn bạc với khối UWE Bristol Châu Á-Thái Bình Dương để tạo ra mạng lưới các trường liên kết sinh viên các chương trình của Đại học UWE Bristol trên khắp châu Á.

Như vậy, sinh viên có thể trao đổi thoải mái với các trường trong mạng lưới này và tự động được chấp nhận tín chỉ. Đây sẽ là bệ phóng để các em hội nhập môi trường lao động khu vực và quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục