Không ít sinh viên làm khóa luận, tiểu luận hoặc bài tập lớn chỉ là để đối phó, bởi với họ những bài tập kiểu này có quá nhiều lý thuyết, có thể dễ dàng đi chép hoặc đi mua với giá vài chục nghìn.
Ngược lại cũng có những sinh viên đã đầu tư rất nhiều thời gian vào công việc nghiên cứu để hoàn thành những bài tập này… Tuy nhiên, sau khi chấm điểm thì chúng thường bị xếp xó, điều này khiến họ bị “cụt hứng” sáng tạo và nghiên cứu.
Ngược lại cũng có những sinh viên đã đầu tư rất nhiều thời gian vào công việc nghiên cứu để hoàn thành những bài tập này… Tuy nhiên, sau khi chấm điểm thì chúng thường bị xếp xó, điều này khiến họ bị “cụt hứng” sáng tạo và nghiên cứu.
Nhiều lý thuyết nên dễ sao chép
“Đa số những bài tập lớn, tiểu luận… đều được ra một cách ồ ạt vào cuối kỳ để lấy điểm. Do đó, để đầu tư thời gian vào làm một tiểu luận nghiêm chỉnh và chất lượng là rất khó, nếu không đi chép từ giáo trình thì cũng đi mua cho tiện,” Nguyễn Huyền Trang, sinh viên năm cuối Học viện Ngân hàng cho biết.
Do “chạy sô” để hoàn thành các loại bài tập này nên chất lượng của chúng mới chỉ dừng lại ở mức sao chép hoặc tái hiện giáo trình môn, chưa mang tính phát hiện vấn đề.
“Vài lần trước mình cũng co cẳng lên để làm mấy bài tiểu luận cuối kỳ. Nhưng nói chung, làm xong cũng chẳng nhớ mình đã viết những gì, vì đa số đều đến gần ngày nộp mới làm, lại toàn chép từ giáo trình. Sau có người mách đi mua về rồi sửa đi chút là nộp được, cũng chẳng ai phát hiện,” T.V. Dũng, sinh viên năm thứ 3 khoa Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại cho biết.
Các sinh viên đều cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng sao chép “chất xám” là do nhiều đề tài còn nặng về lý thuyết. “Cứ nói mãi lý thuyết thì ở chỗ nào chẳng giống nhau nên tốt nhất đi chép cho nhanh. Đa số sinh viên thích làm các bài tập lớn, tiểu luận hơn là phải thi vì nếu thi thì phải ‘cày’ rất vất vả và căng thẳng, còn làm tiểu luận thì có thể dễ dàng chép từ những tài liệu khác nhau hoặc có thể đi mua một bài hoàn chỉnh,” N.V.Hải, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân không ngần ngại nói.
Cũng có cùng suy nghĩ với Hải nên nhiều sinh viên mặc dù đang trong thời gian gấp rút làm khóa luận tốt nghiệp nhưng vẫn "bình chân như vại".
“Thời gian làm khóa luận tốt nghiệp cũng là thời điểm đi thực tập do đó mình nghĩ nên tập trung thời gian để thực tập hoặc liên hệ công việc thì tốt hơn là phải mất thời gian để đi đọc lý thuyết rồi chẳng áp dụng được gì cho công việc sau này,” L.T.L, sinh viên đang theo học ngành báo chí nói đầy kinh nghiệm.
N.H.Q.H cũng chia sẻ, chủ yếu những kiến thức trong khóa luận của cậu đều là những kiến thức được copy và “paste” từ giáo trình và 5 cuốn tiểu luận, chuyên đề mà cậu mua ở một cửa hàng photocopy.
“Copy mỗi quyển giáo trình, mỗi quyển tiểu luận mua về một tí, sửa đi chút là cũng chẳng ai biết, mà vẫn được điểm cao,” H vừa cười, vừa nói.
Đầu tư để … xếp vào thư viện
Vẫn có một bộ phận sinh viên nhìn nhận việc làm tiểu luận hay khóa luận cần phải đầu tư chất xám một cách nghiêm túc. Thế nhưng, họ lại tỏ ra khá thất vọng khi những công trình đầy tâm huyết của mình cũng chịu chung số phận như những bài luận đi mua, bị xếp hàng chồng phủ đầy bụi trong thư viện!
Nguyễn Vân Anh, một sinh viên theo học chuyên ngành kinh tế đã bỏ rất nhiều công sức để thu thập tài liệu cho đề tài luận văn của mình. Bắt đầu từ năm thứ 3, cô đã có ý tưởng vể một đề tài và tìm kiếm, sưu tầm những tài liệu, số liệu, thậm chí băng đĩa liên quan đến đề tài mà mình đang ấp ủ.
Trong thời gian thực tập cô tranh thủ gần 4 tháng trời để nghiên cứu, sắp xếp tư liệu và viết khóa luận. Cô đạt điểm xuất sắc, nhưng ngay sau đó, công trình của cô chỉ để xếp trên tủ sách của thư viện.
Vân Anh than phiền rằng ngoài cô thì có lẽ chẳng mấy người nhớ đến khóa luận đó. “Có một thực tế là mặc dù đầu tư rất nhiều thời gian và công sức, nhưng những kiến thức này hầu như chẳng được vận dụng gì vào quá trình làm việc sau khi ra trường,” Vân Anh nói đầy ngao ngán.
Chính vì thế, Vân Anh chia sẻ kinh nghiệm với cậu em trai đang trong thời gian làm khóa luận tốt nghiệp: “Tốt nhất là đầu tư thời gian mà thực tập cho tốt để có chút thực tế thì xin việc dễ hơn, chứ đầu tư nhiều vào luận văn cũng chỉ giải quyết được vấn đề điểm thôi.”
Không ít sinh viên sau khi ra trường có cùng tâm sự với Vân Anh, bỏ nhiều công sức để đầu tư vào những khóa luận tốt nghiệp nhưng vừa “ra lò” công trình đã bị xếp xó. Cả hai thực tế được nêu trên đều không tạo được cảm hứng nghiên cứu cho sinh viên nên nhiều người trong số họ chọn cách tìm đến những cửa hàng photocopy để mua bài.
Trong khi đó, ở những nước có nền giáo dục tiên tiến, một bài tập lớn hoặc luận văn tốt nghiệp có thể được các cơ quan, doanh nghiệp mua lại với giá cao. Nguyễn Phi Hùng, sinh viên năm thứ 3 khoa Khoa học kỹ thuật và Công nghệ máy tính, Đại học La Trobe, Melbourne, Australia chia sẻ: “Các khóa luận của bọn mình thường được mua lại vì nó gắn với thực trạng tại một cơ quan, tổ chức nào đó. Điều đó giúp bọn mình rất hứng thú tìm tòi, nghiên cứu và có tính thực tế cao”./.
Bài 3: Các đề tài cần gắn với ứng dụng thực tế
Nguyễn Hà (Vietnam+)