Singapore và Việt Nam: Đối tác giá trị trong thời kỳ thách thức

Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong Siow Ping viết về Quan hệ Đối tác Chiến lược đang phát triển với Việt Nam, và cách thức hai nước cùng nhau phối hợp để vượt qua thách thức.
NUS Enterprise và Tập đoàn Becamex IDC đã ký Biên bản Ghi nhớ về thiết lập vườn ươm khởi nghiệp BLOCK71 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Vietnam+)

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày Quốc khánh Singapore (9/8/2020), Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong Siow Ping viết về Quan hệ Đối tác Chiến lược đang phát triển với Việt Nam, và cách thức hai nước cùng nhau phối hợp để vượt qua thách thức. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc: 

Năm nay Singapore kỷ niệm 55 năm giành được độc lập. Đây là dịp quan trọng mà chúng tôi có truyền thống kỷ niệm bằng một Lễ Diễu hành Quốc khánh lớn. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, các tiết mục của Lễ Diễu hành năm nay sẽ được chia nhỏ và truyền trực tiếp trên sóng truyền hình và Internet.

Thật vậy, đại dịch COVID-19 đã gây nên nhiều gián đoạn lớn trên toàn cầu. Cuộc khủng hoảng xưa nay chưa từng có này đã thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và vui chơi.

Để đối phó với đại dịch, Singapore đã áp dụng biện pháp “giãn cách xã hội” (circuit breaker) từ ngày 7/4 đến ngày 1/6/2020, bao gồm hạn chế nghiêm ngặt đối với các cuộc tập trung xã hội quy mô lớn.

Sau khi kiểm soát được sự lây lan của virus, trong suốt hai tháng qua, chúng tôi đang dần mở cửa nền kinh tế và xã hội. Các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng đã mở lại, trong khi hành khách quốc tế có thể quá cảnh tại Sân bay Changi. Đồng thời, an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu, với các yêu cầu về khoảng cách an toàn và hạn chế đối với các cuộc tập trung xã hội.

[Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm "bình thường mới" với Singapore]

Một trụ cột chính trong chiến lược chống COVID-19 của chúng tôi là cách thức tiếp cận xét nghiệm chủ động và nghiêm ngặt. Chúng tôi đang tăng khả năng xét nghiệm từ khoảng 8.000 ca mỗi ngày hiện nay lên 40.000 ca mỗi ngày vào cuối năm 2020.

Chúng tôi cũng chủ động tiến hành xét nghiệm trên các nhóm dân cư được coi là dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn, bao gồm công nhân nước ngoài sống trong các khu ký túc xá, nhân viên mầm non, cũng như nhân viên và người dân sống trong khu dân cư dành cho người cao niên.

Điều này không chỉ giúp nhiều trường hợp nhiễm COVID được phát hiện hơn, mà còn cho phép chúng tôi xác định và khoanh vùng sớm các ca nhiễm mới, từ đó ngăn chặn sự lây lan của virus.

Thêm vào đó, Singapore tăng cường năng lực theo dõi lịch sử tiếp xúc của người dân bằng cách tận dụng công nghệ. Nhờ đó, số trường hợp nhiễm COVID mới trong cộng đồng đã giảm.

Quan trọng nhất là chúng tôi đã duy trì được tỷ lệ tử vong thấp ở mức dưới 0,1% - trong nhóm thấp nhất thế giới. Điều này phản ánh chất lượng cao của hệ thống chăm sóc sức khỏe Singapore.

Nhìn về phía trước, chúng tôi đang xây dựng năng lực sản xuất vắc-xin qua việc đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển.

Đại sứ Wong nhận tặng phẩm là bộ xét nghiệm Phản ứng phiên mã ngược - khuếch đại chuỗi từ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng tháng 5/2020. (Ảnh: Vietnam+)

Thông qua những nỗ lực này, Singapore giữ vững là một trung tâm an toàn cho kinh doanh, đầu tư và thương mại. Chúng tôi cam kết mở cửa cảng biển và sân bay, cũng như tiếp tục vai trò quan trọng của mình trong việc tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa và dịch vụ thiết yếu toàn cầu. Chúng tôi cũng mong muốn dần mở cửa biên giới trở lại với các biện pháp bảo vệ sức khỏe cần thiết được áp dụng.

Trong giai đoạn đầy thách thức này, Việt Nam đã và đang là một đối tác và người bạn đáng quý đối với Singapore - một minh chứng cho mối quan hệ chặt chẽ được xây dựng trong nhiều năm qua.

Chúng tôi rất biết ơn các cơ quan chính phủ Việt Nam và các tổ chức tư nhân đã tặng thiết bị y tế cho Singapore. Bất chấp đại dịch, chúng ta vẫn đang tiếp tục củng cố Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore.

Chẳng hạn, chúng ta đang tích cực hợp tác để giữ thị trường mở và chuỗi cung ứng được kết nối. Thương mại nông nghiệp đang gia tăng, với sự hợp tác sâu rộng về gạo và các sản phẩm thực phẩm khác.

Mặc dù kinh tế toàn cầu diễn biến ảm đạm, Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn đối với Singapore. Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư tích lũy hơn 47 tỷ USD trên hơn 2.000 dự án.

Thương mại song phương giữa hai nước cũng tăng trưởng đều đặn và đạt 22,7 tỷ USD vào năm 2019. Các công ty Singapore mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mới như tiêu dùng và lối sống kỹ thuật số, sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp kỹ thuật số, năng lượng tái tạo, và giải pháp đô thị bền vững.

Để tạo điều kiện cho các liên kết thương mại và kinh doanh đang phát triển này, Việt Nam và Singapore đang thảo luận cách thức mở lại biên giới phục vụ cho hoạt động kinh doanh thiết yếu một cách an toàn và từ từ, khi tới thời điểm thích hợp.

Singapore và Việt Nam duy trì hợp tác sâu rộng trong ASEAN. Với tư cách là Chủ tịch của ASEAN trong giai đoạn thách thức chưa từng có này, chủ đề Việt Nam lựa chọn “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là thực sự phù hợp.

Với tất cả mười quốc gia thành viên ASEAN bị ảnh hưởng bởi COVID-19, cuộc chiến chống đại dịch đã trở thành ưu tiên chính.

Ngay cả khi đại dịch đã làm gián đoạn các cuộc họp ASEAN trực tiếp, Việt Nam đã tổ chức trực tuyến thành công các Hội nghị quan trọng, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về COVID-19 và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.

Các cuộc họp này đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho hành động tập thể, bao gồm cả việc ứng phó với đại dịch, tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng. Singapore sẽ tiếp tục duy trì sự ủng hộ nhất quán đối với vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam.

Chúng tôi tự tin rằng dưới sự lãnh đạo của Việt Nam, ASEAN sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa trong năm nay. Đặc biệt, trong bối cảnh suy thoái kinh tế khu vực, điều quan trọng là ASEAN phải cho thế giới thấy rằng chúng ta đang mở cửa kinh doanh, với một nền kinh tế ổn định và hội nhập thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Do đó, chúng tôi hy vọng rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ được ký kết trong năm nay. Điều này sẽ gửi đi một thông điệp vang dội về tính thống nhất và trung tâm của ASEAN, đồng thời thúc đẩy niềm tin vào sự ổn định và hội nhập của nền kinh tế khu vực. Hiệp định cũng sẽ hỗ trợ phục hồi kinh tế ASEAN từ tác động của dịch COVID-19.

Khi chúng ta vượt qua những vùng đất chưa từng được khám phá này, Singapore sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam hướng tới sự hợp tác hơn nữa, cả song phương và đa phương, để đẩy nhanh tiến độ phục hồi từ đại dịch và cuối cùng là cải thiện cuộc sống của người dân hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục