Singapore và Malaysia thông báo biện pháp kiểm soát dịch COVID-19

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết ông sẽ chia sẻ giải pháp mà Singapore dự kiến áp dụng để kiểm soát dịch bệnh, trong khi Malaysia sẽ tiến hành phong tỏa toàn diện để ngăn chặn sự lây lan.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 30/5 thông báo ông sẽ công bố các kế hoạch nhằm khôi phục trạng thái bình thường mới của nước này vào ngày 31/5.

Trong bài đăng trên mạng xã hội, nhà lãnh đạo Singapore cho biết ông sẽ chia sẻ giải pháp mà Singapore dự kiến áp dụng để kiểm soát dịch bệnh trong khi mở cửa nền kinh tế quốc gia này một lần nữa vào, gồm đẩy nhanh tốc độ quy trình xét nghiệm, truy vết các ca có nguy cơ lây nhiễm và cũng như tiêm chủng vaccine.

Trong tháng 5 này, Singapore đã tái áp đặt một số biện pháp hạn chế đối với các hoạt động tập trung đông người.

Đây là biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 nghiêm ngặt nhất là Singapore thực hiện trở lại sau khi quốc gia Đông Nam Á này thoát khỏi tình trạng phong tỏa vào năm ngoái. 

[Số ca tử vong do COVID-19 ở Malaysia trong tháng 5 gấp đôi năm 2020]

Trong khi đó, từ ngày 1 đến 14/6, Malaysia sẽ tiến hành phong tỏa toàn diện để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, theo đó nước này sẽ đóng cửa tất cả các trung tâm mua sắm và cấm tất cả hoạt động sản xuất, dịch vụ không thiết yếu.

Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn lời Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết, các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ được phép hoạt động trong thời gian phong tỏa toàn diện bao gồm sản xuất thực phẩm, dịch vụ y tế (trong đó có dịch vụ thú y), nước, năng lượng, an ninh, xử lý chất thải, vận tải, thông tin liên lạc (trong đó có truyền thông), tín dụng (trong đó có cửa hàng cầm đồ), công nghệ thông tin, phân phối, dịch vụ khách sạn (để kiểm dịch và cách ly, không phải cho du lịch), lâm nghiệp (chỉ đối với lực lượng chấp pháp) và hậu cần để cung cấp các dịch vụ thiết yếu.

Các doanh nghiệp khác sẽ được phép hoạt động, nhưng chỉ trong khung giờ từ 8 giờ sáng tới 8 giờ tối là tiệm giặt là tự phục vụ, trạm xăng dầu, cửa hàng vật nuôi, cửa hàng kính mắt, cửa hàng bán phần cứng và cửa hàng dịch vụ xe cộ.

Bên cạnh đó, Malaysia còn cho phép một số lĩnh vực thiết yếu khác hoạt động với 60% lao động, bao gồm: hàng không vũ trụ, trong đó có duy tu, sửa chữa và đại tu; thực phẩm và đồ uống; đóng gói và in ấn; điện và điện tử; dệt may nhưng chỉ để sản xuất  thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE)...

Các lĩnh vực không thiết yếu đều bị cấm hoạt động như trung tâm mua sắm, chợ đêm, sổ số, đua ngựa, casino, dịch vụ cắt tóc, làm đẹp, rửa xe, cửa hàng thời gian, cửa hàng đồ chơi, cửa hàng bán đồ thể dục thể thao, cửa hàng làm móng chân móng tay.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục