Singapore và Malaysia: Chọn những cá nhân xuất sắc nhất vào sư phạm

Tại Singapore và Malaysia, chỉ 30% học sinh có kết quả tốt nghiệp cao nhất mới được vào ngành sư phạm. Giáo viên được bồi dưỡng, đánh giá, xếp bậc và trả lương xứng đáng theo từng bậc.
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Tuyển chọn giáo viên từ những cá nhân xuất sắc nhất, có chính sách khuyến khích giáo viên liên tục bồi dưỡng năng lực, phân loại và trả lương xứng đáng với năng lực… đó là những bài học trong công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tại Singapore và Malaysia.

Những kinh nghiệm đó vừa được các đại diện hai quốc gia chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc tế Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm. Hội thảo do Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hôm nay, ngày 20/12/2017.

Tập trung nâng chất lượng giáo viên

Theo Giáo sư Đinh Quang Báo, Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Singapore và Malaysia là hai quốc gia đang có nhiều thành tựu về phát triển hệ thống giáo dục không chỉ nổi bật ở Đông Nam Á và cả thế giới. Một trong những nguyên nhân cơ bản tạo nên thành công đó là chiến lược phát triển chất lượng đội ngũ giáo viên mà hai nước này đã thực hiện trong những năm gần đây.

Tại Hội thảo, đại diện Singapore và Malaysia đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của mình. Theo đó, cả hai nước này đều tuyển chọn giáo viên từ những cá nhân xuất sắc, nằm trong nhóm 30% người có điểm số tốt nghiệp cao nhất cả nước. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên được bồi dưỡng liên tục, được khuyến khích học tiếp lên sau đại học. Giáo viên được đánh giá và phân rõ về cấp độ. Lương giáo viên đủ sức cạnh tranh với các ngành nghề khác và không cào bằng mà được trả lương theo chức danh và năng lực nghề nghiệp.

Tại Singapore, theo phó giáo sư Chew Hung Chang, Viện Giáo dục Quốc gia Singapore, giáo viên được tuyển chọn rất gắt gao, chỉ từ 30% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có điểm số cao nhất hoặc những cử nhân có kết quả học tập tốt nhất. Viện Giáo dục Quốc gia Singapore là đơn vị duy nhất đào tạo giáo viên và chỉ tiêu đào tạo cũng được tính toán hàng năm để đưa ra con số phù hợp với nhu cầu. Sinh viên sư phạm được miễn học phí, thậm chí được hưởng trợ cấp tương đương 60% lương khởi điểm của giáo viên.

[Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng mục tiêu đạt chuẩn quốc tế]

Giáo viên được khuyến khích học tập liên tục để nâng cao năng lực nghề nghiệp, thậm chí lấy bằng sau đại học như thạc sỹ, tiến sỹ. Lương của họ cũng được tăng theo từng trình độ để làm động lực cho giáo viên. Giáo viên có ba con đường để phát triển sự nghiệp, thứ nhất là phát triển chuyên môn, thứ hai là phát triển để trở thành lãnh đạo trong nhà trường, thứ ba là trở thành các chuyên gia.

Viện Giáo dục Quốc gia luôn có các chương trình bồi dưỡng cho giáo viên phát triển năng lực. Các khóa bồi dưỡng linh hoạt về thời gian, nội dung, và phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của chính giáo viên.

Nghiên cứu mô hình đào tạo giáo viên tại Singapore, thạc sỹ Đinh Quang Thú, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, Bộ Giáo dục Singapore luôn theo dõi mức lương của giáo viên so với các ngành khác, điều chỉnh để đảm bảo tính cạnh tranh.

Việc phát triển giáo viên tại Malaysia có khá nhiều điểm tương đồng với Singapore. Theo giáo sư Nor Aishah Buang, Trường Đại học Kebangsaan (Malaysia), từ năm 2013, nước này đã xây dựng lộ trình phát triển đội ngũ giáo viên đến năm 2025. Trong đó, từ 2013 đến 2015, quốc gia này nâng chuẩn lựa chọn giáo viên, chỉ tuyển ứng viên nằm trong nhóm 30% tốt nghiệp hàng đầu vào nghề sư phạm. Trong giai đoạn này, Malaysia cũng thực hiện giảm bớt gánh nặng hành chính để giáo viên tập trung vào chức năng cốt lõi là giảng dạy và nâng cao trình độ. 

Bên cạnh bồi dưỡng thì giáo viên cũng luôn được đánh giá xếp loại để có mức lương xứng đáng. Giáo viên có ba cấp bậc là giáo viên thường, giáo viên chính và giáo viên cao cấp. Mức lương của giáo viên sẽ được nâng lên ở mỗi cấp độ và có thể tương đương với phó giáo sư. Các giáo viên cốt cán ngoài việc giảng dạy còn có nhiệm vụ quan trọng là người hỗ trợ cho các giáo viên thường. 

Với thực trạng 40% các hiệu trưởng đã về hưu, từ năm 2016, Malaysia đã lựa chọn các giáo viên xuất sắc và mở lớp bồi dưỡng để đưa họ trở thành đội ngũ quản lý kế cận. 

Lương giáo viên tại Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn so với các ngành nghề khác. (Ảnh minh họa; TTXVN)

Bài học nào cho Việt Nam?

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Phan Trọng Ngọ, Viện Nghiên cứu sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, so với giáo dục của Malaysia và Singapore, giáo dục Việt Nam có khá nhiều khác biệt do hoàn cảnh lịch sử, trình độ kinh tế, xã hội và đặc điểm văn hóa. Tuy nhiên, những điểm có tính phổ quát về giáo dục và giáo viên thì mọi quốc gia đều có sự tương đồng. 

Vì vậy, ông Ngọ cho rằng những gì Malaysia và Singapore triển khai và có hiệu quả trong hoạt động bồi dưỡng giáo viên có thể là những tham chiếu tốt để Việt Nam nghiên cứu, vận dụng, trên cơ sở phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.  

Theo ông Ngọ, các điểm có tính khả thi như cần sớm nâng chuẩn trình độ được đào tạo ban đầu của giáo viên và xây dựng chiến lược tổng thể bồi dưỡng, phát triển giáo viên theo chuẩn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và hội nhập quốc tế. Việc bồi dưỡng giáo viên cần đa dạng về hình thức và phải xuất phát từ nhu cầu phát triển nghề nghiệp của chính giáo viên.

[Ngành sư phạm rớt thảm, Bộ Giáo dục và Đào tạo họp khẩn]

Bên cạnh đó, bồi dưỡng và phát triển năng lực giáo viên phải gắn với chế độ đãi ngộ và tôn vinh của xã hội đối với nghề dạy học và người giáo viên.

​Phó giáo sư Đỗ Ngọc Thống cũng cho rằng việc học hỏi kinh nghiệm các quốc gia phát triển về giáo dục như Malaysia và Singapore là cần thiết nhưng cần chú trọng đến tính nguyên lý và phổ quát để vận dụng phù hợp với Việt Nam. “Ví dụ vấn đề lương giáo viên là nằm ngoài tầm của ngành giáo dục, dù rất muốn học hỏi theo nước bạn,” ông Thống chia sẻ.

Việt Nam hiện đang đứng trước thách thức to lớn về vấn đề giáo viên. Đó là thực trạng người học thờ ơ với chất lượng đầu vào của ngành sư phạm ngày càng giảm. Việt Nam cũng đang triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, trong đó vấn đề bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên là một yếu tố then chốt để thực hiện đổi mới thành công. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, để giải quyết bài toán  này, không chỉ bằng ý chí hay kinh nghiệm hiện có mà phải bằng lý luận và tìm hiểu phân tích, học hỏi kinh nghiệm của các nước. Từ đó, tìm cách vận dụng phù hợp với điều kiện của nước ta./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục