Singapore tiếp tục củng cố vị thế là “Thụy Sĩ của châu Á”

Theo số liệu của Cơ quan Tiền tệ Singapore, khối tài sản được quản lý bởi ngành quản lý tài sản nước này đã tăng gấp đôi chỉ trong 6 năm, lên khoảng 4.000 tỷ USD.
Singapore tiếp tục củng cố vị thế là “Thụy Sĩ của châu Á” ảnh 1Singapore tiếp tục củng cố vị thế là Thụy Sĩ của châu Á. (Nguồn: Reuters)

Từ những năm đầu khi trở thành một quốc gia độc lập, Singapore đã hướng đến việc trở thành một trong những địa điểm chủ chốt mà các dòng tiền trên thế giới đi qua. Và giờ đây, ngành quản lý tài sản của Singapore đang phát triển nhanh chóng, củng cố vị thế là “Thụy Sĩ của châu Á.”

Theo số liệu của Cơ quan Tiền tệ Singapore, khối tài sản được quản lý bởi ngành quản lý tài sản nước này đã tăng gấp đôi chỉ trong sáu năm, lên khoảng 4.000 tỷ USD, trong đó khoảng 80% là tài sản nước ngoài.

Tập đoàn Quản lý Đầu tư BlackRock Inc. của Mỹ đang mở rộng hoạt động ở Singapore, cũng như quỹ lương hưu Ontario Teachers’ Pension Plan của Canada.

Kể cả các ngân hàng Thụy Sĩ cũng đang tìm đến Singapore. Đảo quốc Sư tử hiện là nơi mà tập đoàn UBS Group AG có hoạt động lớn nhất ở châu Á.

Vị trí trung tâm tài chính lớn nhất thế giới của Thụy Sĩ hiện vẫn an toàn. Nhưng Boston Consulting Group dự đoán lượng tài sản nước ngoài được quản lý tại Singapore sẽ tăng 9% trong 5 năm tới, nhanh gấp ba lần Thụy Sĩ.

[Giới chuyên gia lo ngại kinh tế Singapore suy thoái kỹ thuật]

Singapore có nhiều điểm hấp dẫn của Thụy Sĩ, như sự ổn định chính trị và nguồn lao động trình độ cao. Ngoài ra, nước này còn nổi bật với thuế thu nhập thấp, miễn thuế lợi tức đầu tư hay tài sản thừa kế và nhiều ưu đãi cho các công ty đa quốc gia.

Vị trí nằm giữa khu vực Đông Nam Á của Singapore cũng khiến nước này trở nên hấp dẫn với các công ty quản lý đầu tư muốn tập trung vào khu vực này.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành quản lý tài sản tại Singapore là điều dễ hiểu. Năm 2020, Chính phủ nước này đã thành lập một công ty chuyên cung cấp các ưu đãi về pháp lý và thuế cho các quỹ phòng hộ, các công ty đầu tư tư nhân và đầu tư mạo hiểm hoạt động ở Singapore.

Động thái này tương tự các chương trình ở những trung tâm tài chính lớn như Quần đảo Cayman và Luxembourg. Hơn 600 công ty đã được hưởng lợi từ chương trình mới này tính đến tháng Mười năm ngoái.

Những rắc rối gần đây ở các trung tâm tài chính khác đã đem lại cho Singapore một lợi thế. Vị thế của Thụy Sĩ đã bị lung lay trong năm nay do sự sụp đổ của Credit Suisse Group AG và thương vụ thâu tóm ngân hàng này của UBS.

Lượng tài sản do Credit Suisse quản lý đã sụt giảm hơn 100 tỷ franc Thụy Sĩ (111 tỷ USD) khi các khách hàng giàu có của ngân hàng này chuyển tiền đi nơi khác, trong đó có Singapore.

Còn tại Hong Kong (Trung Quốc), giới lãnh đạo ngân hàng và các nhà đầu tư đang ngày càng lo ngại về tình hình ở đây. Hong Kong để mất vị trí nền kinh tế tự do nhất thế giới suốt 50 năm qua vào tay Singapore.

Hoạt động kinh doanh suy yếu từ đại lục, nơi đang trải qua sự giảm tốc về kinh tế và một cuộc khủng hoảng bất động sản nghiêm trọng, đang khiến nhiều công ty tài chính cắt giảm việc làm ở Hong Kong.

Tuy nhiên, cuộc đua trở thành trung tâm tài chính hàng đầu châu Á vẫn đang nghiêng về Hong Kong. Với nhiều ngân hàng toàn cầu thì đây vẫn là nơi khó có thể thay thế.

Nhưng Singapore vẫn đang hưởng lợi từ các công ty muốn đa dạng hóa ở khu vực này, hoặc đang tìm kiếm một nền tảng để phát triển hoạt động kinh doanh ở châu Á ngoài Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục