Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS - Ngân hàng Trung ương) ngày 12/10 đã quyết định thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ với dự báo kinh tế nước này sẽ giữ đà tăng trưởng ổn định và lạm phát được duy trì ở mức thấp, song cảnh báo nguy cơ rủi ro từ các cuộc chiến tranh thương mại có thể xảy ra trong năm tới.
MAS đã điều chỉnh tăng biên độ giao dịch của đồng đôla Singapore, nhưng không thay đổi trọng tâm của biên độ giao dịch. Đây là lần thứ hai trong vòng sáu năm qua, MAS quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trước đó, vào tháng 4/2018, MAS đã tuyên bố điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ tăng nhẹ sau khi duy trì tỷ giá 0% trong một thời gian dài. MAS cho rằng nền kinh tế sẽ mở rộng với tốc độ chậm hơn trong thời gian còn lại của năm nay cũng như trong năm 2019 và dự báo lạm phát về cơ bản sẽ tăng ở mức khiêm tốn trong một thời gian ngắn trước khi ổn định ở mức dưới 2%.
[Singapore siết chặt chính sách tiền tệ lần đầu tiên trong 6 năm qua]
Động thái trên diễn ra bất chấp những số liệu của Bộ Công thương Singapore (MTI) cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý ba năm nay đã giảm xuống 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức tăng 4,1% của quý trước.
Tuy nhiên, trên cơ sở hàng năm được điều chỉnh theo quý, kinh tế Singapore quý 3/2018 đã tăng 4,7%, nhanh hơn mức tăng 1,2% của quý trước đó.
Đáng chú ý, lĩnh vực sản xuất, động lực chính của nền kinh tế Singapore, chỉ đạt mức tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ năm trước và giảm đáng kể so với mức tăng trưởng 10,6% trong quý hai và nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu về các sản phẩm điện tử trên toàn cầu suy yếu.
Trong khi đó, ngành xây dựng cũng giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước do những yếu kém trong các dự án xây dựng tại khu vực công. Ngược lại, các ngành công nghiệp dịch vụ lại đạt mức tăng trưởng 2,9% nhờ có sự hỗ trợ của các lĩnh vực như tài chính và bảo hiểm, dịch vụ kinh doanh, bán buôn và bán lẻ.
Theo dự báo của MAS, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore sẽ ở nửa trên trong khoảng dự báo từ 2,5-3,5% và tăng nhẹ vào năm 2019. Bên cạnh đó, lạm phát cũng sẽ tăng nhẹ do tác động của giá dầu và giá thực phẩm toàn cầu cũng như tốc độ gia tăng của tiền lương và nhu cầu tiêu thụ nội địa ở trong nước.
Tuy nhiên, MAS cũng cho rằng mức độ tăng giá cả nói chung sẽ bị hạn chế do sự cạnh tranh thị trường trong một số lĩnh vực tiêu dùng như viễn thông, điện và bán lẻ đã trở nên dữ dội hơn. Trên cơ sở đó, cơ quan này đưa ra dự báo tỷ lệ lạm phát về cơ bản sẽ giảm xuống dưới mức 2% trong trung hạn và nằm trong khoảng dự báo từ 1,5-2% cho năm 2018./.