Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (Ngân hàng Trung ương-MAS) cho biết thị trường lao động của Singapore dự kiến sẽ được thắt chặt trong năm 2015.
Trong đánh giá kinh tế vĩ mô nửa năm công bố ngày 28/4, MAS nhấn mạnh nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực dịch vụ trong nước, sẽ vấp phải khó khăn do phải đối mặt với các tiêu chuẩn ngày càng chặt chẽ về cung ứng lao động.
Trước đó, thống kê của Bộ Nhân lực Singapore (MOM) cũng cho thấy số người thất nghiệp tại nước này trong năm 2014 là gần 13.000 người. Đây là năm thứ tư liên tiếp số người thất nghiệp tại Singapore tiếp tục gia tăng do quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Mặt khác, thị trường lao động cũng gặp nhiều khó khăn do chính sách hạn ngạch áp dụng đối với các doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài.
Tuy nhiên, người lao động đã được hưởng lợi nhiều hơn từ tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2014, các hóa đơn tiền lương chiếm 86% tăng trưởng GDP, và đạt mức 43% GDP danh nghĩa, cao nhất trong thập kỷ qua.
Theo dự báo của MAS, tốc độ tăng lương sẽ có sự điều chỉnh trong bối cảnh thị trường lao động được thắt chặt, nhưng không vượt quá 3,7%. Sang năm 2016, tiền lương có thể tăng mạnh hơn nếu điều kiện kinh tế được cải thiện và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm.
Bên cạnh đó, MAS cho hay mức tăng lương sẽ vẫn không đồng đều giữa các ngành và thường cao hơn trong các lĩnh vực phi thương mại, như dịch vụ lưu trú và ăn uống, thương mại bán lẻ và dịch vụ hành chính...
Nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô, MAS cho biết tăng trưởng GDP của Đảo quốc Sư tử năm nay là khá tích cực và dao động trong khoảng từ 2-4%, chủ yếu được hưởng lợi từ sự phát triển theo chu kỳ của thị trường và các ngành công nghiệp.
"Ngành công nghiệp IT toàn cầu sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng của các nền kinh tế phát triển trong năm 2015, nhưng sự hợp nhất đang diễn ra trong ngành công nghiệp có thể có tác động lan tỏa đối với các lĩnh vực điện tử trong nước như việc các doanh nghiệp cơ cấu lại và hợp lý hóa hoạt động toàn cầu của họ", đánh giá của MAS nêu rõ. Mặt khác, việc giá dầu thế giới có thể tăng trong nửa cuối năm nay sẽ hỗ trợ cho ngành sản xuất hóa dầu vốn đã bị chững lại sau sự sụp đổ của giá dầu vào cuối năm ngoái.
Trong bối cảnh đó, các ngành công nghiệp trong nước theo định hướng sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu gia tăng của các nước phát triển cũng như chính sách tạm hoãn việc tăng thuế đối với lao động nước ngoài. Do đó, MAS nhận định kinh tế trong nước dự kiến sẽ có mức tăng trưởng vừa phải trong phần còn lại của năm nay.
MAS cũng cho hay lạm phát tiếp tục giảm trong những tháng gần đây, chủ yếu do tác động của việc giá dầu thế giới giảm và trợ cấp y tế trong nước được nâng cao.
Lạm phát lõi trong quý 1 năm 2015 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lạm phát tổng thể sẽ tiếp tục giảm bởi giá cho thuê nhà ở thấp hơn, ở mức -0,3% trong quý 1 năm 2015, so với mức 0% trong quý 4 năm 2014.
Cũng theo MAS, lạm phát lõi và lạm phát tổng thể được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong quý 2 và quý 3 của năm 2015, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự sụt giảm giá dầu toàn cầu làm tác động đáng kể đến giá cả trong nước. Theo đó, trong năm 2015, lạm phát lõi sẽ dao động trong khoảng từ 0,5-1,5% (so với mức 1,9% trong năm 2014) và lạm phát tổng thể có thể giảm xuống còn từ -0,5-0,5% trong năm nay, so với mức 1% của năm trước./.