Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Singapore sẽ chính thức thống nhất hệ thống QR duy nhất có tên Singapore Quick Response Code (SGQR) trong thanh toán kể từ đầu năm 2019 và là hệ thống mã QR thống nhất đầu tiên trên thế giới nhằm giúp đơn giản hóa thanh toán điện tử cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp ở Đảo quốc Sư tử.
Sự kiện này đánh dấu bước mới nhất trong nỗ lực của chính phủ Singapore trong việc hạn chế thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong một thông cáo phát đi ngày 17/9, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) và Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (IMDA) cho biết SGQR sẽ được dùng trong 27 chương trình thanh toán; trong đó bao gồm các mạng thanh toán chủ yếu ở Singapore hiện nay như PayNow, NETS, GrabPay, DBS PayLah, DASH Singtel, OCBC Pay AnyOne và AliPay.
Điểm ưu việt của SGQR là tối ưu hóa số lượng các chương trình thanh toán điện tử mà nó chứa bằng cách nâng cao hiệu quả xử lý dữ liệu liên quan đến thương nhân, xây dựng trên các thông số mã QR được sử dụng trên phạm vi quốc tế.
Trước mắt, khoảng 19.000 mã QR sẽ được thay thế bằng nhãn SGQR từ cuối tháng 9/2018, với hơn 1.000 điểm bán hàng ở các Khu thương mại trung tâm. Việc thay thế dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay để chính thức thống nhất kể từ đầu năm 2019.
[Jetstar Pacific áp dụng công nghệ thanh toán vé máy bay mới]
Theo các cơ quan chức năng, hệ thống QR duy nhất này đáp ứng được tiêu chí "đơn giản, nhanh chóng và an toàn,” nhất là trong bối ảnh sự đơn giản và tốc độ thanh toán điện tử được xác định là một trong những thách thức quan trọng cản trở việc áp dụng các tùy chọn thanh toán điện tử tại Singapore.
Vì vậy, với một mã QR quy nhất, người tiêu dùng vẫn có thể linh hoạt trong việc lựa chọn cách thức nạp tiền là ví điện tử hay thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ.
Người tiêu dùng có thể nhanh chóng, dễ dàng nhìn thấy nếu tùy chọn thanh toán QR của họ có xuất hiện trên nhãn SGQR hay không. Để thực hiện thanh toán, khách hàng phải đăng nhập vào các ứng dụng mà họ chọn để thanh toán điện tử, quét mã SGQR và nhập số tiền thanh toán.
Trong khi đó, người bán hàng cũng sẽ được hưởng lợi từ việc "ít lộn xộn" và "thanh toán nhanh hơn" thông qua việc hiển thị một nhãn dán QR, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp buôn bán nhỏ.
Giới phân tích cho rằng việc tiêu chuẩn hóa các tiêu chuẩn mã QR cho phép người tiêu dùng tự do hơn trong việc lựa chọn nền tảng thanh toán, từ đó phổ cập thanh toán điện tử tại Singapore-một quốc gia vốn được biết tới là "ưa thích thanh toán tiền mặt"./.