Singapore: Quốc gia nhỏ - Nhà đầu tư lớn của Việt Nam

Singapore hiện là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam, dòng đầu tư từ Đảo quốc Sư tử đang không ngừng tăng trưởng đều đặn và phủ khắp các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam.
Singapore: Quốc gia nhỏ - Nhà đầu tư lớn của Việt Nam ảnh 1Mô hình khu công viên cây xanh thuộc dự án khu đô thị VSIP Quảng Ngãi. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Là một quốc gia nhỏ bé nằm tại khu vực Đông Nam Á với vỏn vẹn chỉ hơn 5 triệu dân và diện tích 719km2, song hiện Singapore đang là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam, sau Hàn Quốc và Nhật Bản.

Và nhắc đến Singapore, người ta ngay lập tức nghĩ đến một mô hình đầu tư rất thành công tại thị trường Việt Nam, đó là các khu công nghiệp VSIP (Vietnam Singapore Industrial Park).

Khởi đầu và câu chuyện 20 năm

Tiếp chúng tôi tại văn phòng của Công ty Phát triển Sembcorp, Singapore (Sembcorp Development Ltd), ông Kelvin Teo, Tổng Giám đốc điều hành Sembcorp Development Ltd và cũng là đồng Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Liên doanh Trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore, ngay lập tức tự nhận mình là “người Việt Nam.”

“Nhiều bạn bè tôi hay hỏi tại sao ông lại yêu Việt Nam thế? Tôi nghĩ rằng tôi đã cảm mến con người và đất nước này ngay từ lần đặt chân đến cách đây hơn 20 năm bởi sự chăm chỉ cũng như giàu tiềm năng phát triển. Và sau đó là VSIP đầu tiên ra đời, để rồi như các bạn thấy, hiện nay đã là 7 khu công nghiệp trên khắp Việt Nam,” ông Kelvin Teo chia sẻ.

Vị CEO này cho biết 20 năm trước, khi Sembcorp cùng với các đối tác Việt Nam xây dựng khu VSIP đầu tiên, ưu tiên của tập đoàn này là đưa ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động đến Việt Nam, chủ yếu phục vụ các ngành may mặc, da giày.

“Ưu tiên số 1 khi đó là tạo ra cơ hội công ăn việc làm. Sau đó qua nhiều năm làm việc, tiếp xúc với chính phủ, chúng tôi cố gắng tìm hiểu xem chính phủ có nguyện vọng như thế nào và Sembcorp có thể đóng góp những giá trị gì, và nhờ thế, qua nhiều năm mối ưu tiên và quan tâm của VSIP hiện nay không chỉ tập trung vào lĩnh vực tạo ra công ăn việc làm mà còn tiếp tục song hành với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam thông qua việc đem lại thêm các ngành công nghiệp tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế,” ông Kelvin Teo bộc bạch.

Có thể nói, Khu công nghiệp VSIP là biểu tượng hợp tác hữu nghị giữa hai Chính phủ Việt Nam và Singapore và sau gần 20 năm phát triển. Sự thành công của các Khu công nghiệp VSIP đầu tiên tại Bình Dương với nền tảng vững chắc đã giúp VSIP mở rộng ra tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hải Dương và Nghệ An.

Ở mỗi nơi, các Khu công nghiệp VSIP đều có đặc thù riêng, đối tượng khách hàng khác nhau và không có sự trùng lặp… Tính đến nay, 7 khu công nghiệp này thu hút gần 9 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 170.000 lao động.

Kết quả khả quan là vậy nhưng ông Kelvin Teo cho rằng thành quả đạt được trong xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư của Công ty VSIP chỉ mới là phần cứng, còn phần mềm là trong thời gian tới, Công ty VSIP sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ, đô thị. Theo đó, công ty sẽ phát triển các Khu công nghiệp theo mô hình khu phức hợp bao gồm đầy đủ lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đô thị.

Mới đây nhất, vào tháng Năm vừa qua, Công ty Phát triển Sembcorp đã quyết định phát triển dự án xây dựng Công viên Sáng tạo Việt Nam-Singapore tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy chưa tiết lộ quy mô và tổng vốn đầu tư của dự án, song ông Kelvin Teo không giấu giếm khi cho biết đây sẽ là mô hình mới mà công ty hướng tới, với việc đưa các chuyên gia đa ngành từ khắp nơi trên thế giới tới nghiên cứu, sáng tạo và phát triển các sản phẩm mới tại Việt Nam.

Sẽ có “làn sóng” đầu tư từ các doanh nghiệp SME?

Thành công của Sembcorp cho thấy trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, Việt Nam vẫn nổi lên là một địa điểm đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Singapore. Dòng đầu tư từ Đảo quốc Sư tử tiếp tục tăng trưởng đều đặn và phủ khắp các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam.

Theo con số thống kê, đầu tư từ Singapore vào Việt Nam đã đạt hơn 1,1 tỷ USD vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2016.

Tính đến tháng 6/2016, Singapore là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam sau Hàn Quốc, Nhật Bản và nếu tính lũy kế đến nay, nguồn vốn đầu tư dự kiến của nước này đạt 37,9 tỷ USD với trên 1.600 dự án khác nhau, tập trung chủ yếu vào công nghiệp, chế biến chế tạo…

Đáng chú ý, dòng vốn FDI của Singapore đã chảy vào 18/21 lĩnh vực kinh tế của Việt Nam; trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 494 dự án, có tổng vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD, chiếm trên 44% tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam.

Đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản với 81 dự án, có tổng vốn đăng ký gần 11 tỷ USD, chiếm 30% tổng số vốn đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam.

Quy mô vốn bình quân một dự án của nhà đầu tư Singapore là gần 23 triệu USD, cao hơn mức bình quân chung của một dự án FDI tại Việt Nam là xấp xỉ 14 triệu USD. Nhiều dự án của nhà đầu tư Singapore tại Việt Nam hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn vào tạo việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.

Hiện, các nhà đầu tư Singapore đã có mặt tại 46/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Địa phương thu hút nhiều vốn FDI từ các doanh nghiệp Singapore nhất là Thành phố Hồ Chí Minh với 799 dự án, vốn đăng ký gần 10 tỷ USD, chiếm gần 27% tổng số vốn đăng ký tại Việt Nam. Hà Nội đứng thứ hai với 256 dự án và gần 5 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 13% về số vốn đăng ký…

“Không chỉ riêng các tập đoàn lớn, mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Singapore cũng đang tìm kiếm các cơ hội làm ăn kinh doanh tại Việt Nam. Vì vậy, tôi rất lạc quan về triển vọng đầu tư của các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam,” ông Ho Meng Kit, Giám đốc Điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) cho hay.

Theo ông Ho Meng Kit thì khoảng 80% thành viên của SBF là các doanh nghiệp vừa nhỏ (SMEs).

Nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng, SBF đang tích cực phối hợp cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, VCCI cũng như các địa phương để có các chương trình xúc tiến và kết nối doanh nghiệp.

SBF cũng hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp này tìm hiểu về thị trường, nắm bắt được quá trình cải cách của Việt Nam, tìm kiếm các cơ hội hợp tác để mở rộng đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới, đón thời cơ khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi vào thực thi.

“Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Singapore quan tâm đầu tư tại Việt Nam là sản xuất, bất động sản, công nghệ cao và dịch vụ cơ sở hạ tầng như cảng biển, hệ thống giao thông và năng lượng, xuất khẩu hàng hóa nông sản và hoa quả... Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam cũng đang trên đà phát triển với rất nhiều bờ biển đẹp và một nền văn hóa vô cùng phong phú, giàu bản sắc. Chúng tôi nhìn thấy ở đó tiềm năng để hợp tác trong việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn hay các sản phẩm du lịch,” ông Ho Meng Kit nhấn mạnh./.

Ông Ho Meng Kit, Giám đốc Điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) nhận định: 

“Việt Nam cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách để doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm. Các điều kiện kinh doanh rõ ràng cũng là điểm mấu chốt đối với các doanh nghiệp. Việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại song phương cũng như đa phương sẽ tạo điều kiện thúc đẩy quá trình tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước..., tạo một sân chơi lành mạnh với việc giảm thiểu tình trạng tham nhũng. Và với các điều kiện như vậy, tôi tin chắc rằng sẽ ngày càng có nhiều thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước làm ăn kinh doanh tại Việt Nam.” 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục