Với đặc thù người Hoa chiếm hơn 70% trong cấu trúc dân số, tục đốt vàng mã là một trong những hoạt động quan trọng trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người dân Singapore.
Tuy nhiên, ngay từ rất sớm, chính phủ nước này đã áp dụng các biện pháp quản lý một cách chặt chẽ để phòng tránh những hệ lụy bắt nguồn từ tập tục trên như lãng phí, hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, trong những ngày đầu năm mới Mậu Tuất 2018, rất nhiều người dân Singapore từ khắp mọi nơi đã tụ hội về ngôi chùa Quan Âm tại khu Bugis để lễ Phật cầu may.
Tuy nhiên, không có hiện tượng đốt vàng mã hoặc trưng bày những mâm lễ vật cầu kỳ và lãng phí. Mỗi người dân thường chỉ mua một thẻ hương cùng hoa được bày bán ngay tại cổng chùa để mang vào hành lễ, cầu mong cho tâm nguyện của mình trở thành hiện thực.
Các hàng quán bày bán đồ lễ tại cổng chùa cũng chỉ có hương, hoa và nến, tuyệt nhiên không có các đồ vàng mã.
Một chủ cửa hàng tại đây cho biết hoạt động đốt vàng mã tại chùa đã bị cấm từ lâu, người đi lễ chùa chỉ thắp nhang và dâng hoa để tỏ lòng thành kính đức Phật và cầu nguyện.
[Câu chuyện đốt vàng mã mùa Vu Lan từ góc nhìn Phật giáo]
Tại chùa Buddha Tooth (Chùa Răng Phật), ngôi chùa lớn nhất tại Singapore nằm trong khu phố Chinatown sầm uất, người đi lễ cũng chỉ dâng hương, hoa và nến. Hoàn toàn không có tình trạng cúng tiến và đốt tiền giấy, vàng mã hoặc các vật phẩm cầu kỳ khác.
Ông Peter Low, một người dân tại khu phố này, cho biết do một lần xảy ra hỏa hoạn khoảng 15 năm trước đây, Chính phủ Singapore đã ban hành quy định cấm đốt pháo nổ và hạn chế đốt vàng mã để phòng chống hỏa hoạn, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.
Do đó, hiện nay tại các ngôi chùa, người đi lễ chỉ được phép đốt 3 nén nhang, và tuyệt đối không được đốt tiền giấy và vàng mã.
Từ hơn một thập kỷ trở lại đây, Chính phủ Singapore đã ban hành những quy định rất cụ thể và nghiêm ngặt liên quan đến việc đốt tiền giấy và vàng mã của người dân.
Theo đó, tập tục này bị loại bỏ hoàn toàn tại các ngôi chùa thờ Phật. Tại các ngôi miếu thờ tự thần linh, người đi lễ có thể cúng và đốt vàng mã, nhưng phải đốt ở bên ngoài và đúng nơi quy định.
Tại các khu dân cư, người dân có thể thờ cúng tổ tiên và đốt vàng mã, nhưng tất cả cũng phải đốt tập trung tại những khu vực đã xây dựng sẵn, đủ điều kiện phòng chống hỏa hoạn.
Người dân Singapore thường chỉ đốt tiền giấy và vàng mã vào dịp lễ Vu Lan (15/7 Âm lịch). Trong dịp này, ngoài những khu đốt vàng mã đã được xây dựng sẵn tại các khu dân cư, một loạt các thùng sắt sẽ được bố trí thêm để phục vụ hoạt động cúng lễ, đốt tiền giấy và vàng mã của người dân.
Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy những năm trước đây, trung bình mỗi năm Singapore nhập khẩu hơn 20 triệu đôla Singapore (tương đương khoảng 16 triệu USD) giấy vàng mã. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, con số này đã giảm xuống do các quy định hạn chế việc đốt vàng mã.
Việc từ bỏ một tập tục lâu đời đã bén rễ trong người dân khó có thể thực hiện được trong "một sớm, một chiều," song bằng nhiều biện pháp tuyên truyền vận động và cả đưa ra những quy định bắt buộc để hạn chế việc đốt vàng mã, Chính phủ Singapore đã thành công trong việc hướng người dân đến một mục tiêu cao hơn, đó là giữ gìn vệ sinh môi trường sống xanh, sạch, đẹp - vốn từ lâu đã trở thành "thương hiệu" của đảo quốc Đông Nam Á này./.