Singapore: Những trọng điểm kinh tế-chính trị trong thời gian tới

Mới đây, Nội các Chính phủ mới của Singapore đã chính thức tuyên thệ nhậm chức. Và trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Chính phủ mới của Singapore sẽ triển khai một số chính sách ưu tiên.
Singapore: Những trọng điểm kinh tế-chính trị trong thời gian tới ảnh 1Thủ tướng Lý Hiển Long. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Mới đây, Nội các Chính phủ mới của Singapore đã chính thức tuyên thệ nhậm chức.

Ông Lý Hiển Long tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng và sẽ chuyển giao quyền lực khi Singapore vượt qua khủng hoảng. Do đó, chính sách đối nội, đối ngoại của nước này trong ngắn hạn sẽ là sự tiếp nối, không có nhiều điều chỉnh lớn.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Chính phủ mới của Singapore sẽ triển khai một số chính sách ưu tiên.

Cụ thể, trên mặt trận đối nội, Singapore sẽ ưu tiên kiểm soát COVID-19 và tái mở cửa nền kinh tế (theo một cách an toàn), giải quyết vấn đề thất nghiệp và hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tới nay, Singapore đã công bố 4 gói kích thích kinh tế và hỗ trợ trị giá 92,9 tỷ đôla Singapore; đồng thời tập trung hỗ trợ tiền cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo việc làm và nhiều khả năng sẽ có thêm một gói kích thích nữa trong thời gian tới.

Gói kích thích gần đây nhất trị giá 33 tỷ SGD đã mở rộng đáng kể quy mô chương trình trong các gói trước đó, bao gồm các chương trình đồng tài trợ tiền lương và tái đào tạo lao động, tăng cường chi trả trực tiếp bằng tiền mặt và hỗ trợ tiền mặt, tín dụng cho các doanh nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm mới...

Những biện pháp này sẽ giúp người dân Singapore và các doanh nghiệp đối phó với khủng hoảng. Tuy nhiên, sẽ không thể giúp ngăn nền kinh tế Singapore rơi vào suy thoái sâu, với mức dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm 2020 trong khoảng -7,0% đến -4,0%.

Ngoài ra, Singapore có thể sẽ phải thắt chặt hơn nữa chính sách nhập cư lao động nước ngoài, giảm hạn ngạch tuyển dụng nhân tài.

[Singapore: Thủ tướng Lý Hiển Long công bố nội các mới]

Kết quả bầu cử năm 2020 cũng giống như năm 2011, cho thấy có sự quan ngại rất lớn của người dân Singapore về việc nhập khẩu lao động với số lượng nhiều hơn có thể làm tăng gánh nặng cho hệ thống phúc lợi xã hội, lấy đi việc làm của người dân địa phương.

Thực tế, Chính phủ Singapore thời gian qua đã giảm dần hạn ngạch cho lao động nước ngoài, gia tăng các loại phí đối với lao động nước ngoài, tăng học phí đối với học sinh quốc tế... để giảm quan ngại của người dân.

Tháng Hai vừa qua, Singapore đã hạ mức lương trần đối với lao động nước ngoài có tay nghề trung bình tại mỗi doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ từ 13% xuống 10%. Tất nhiên, chính sách như vậy đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra khó khăn cho các doanh nghiệp ở Singapore bởi tỷ lệ sinh thấp và dân số già nhanh chóng có nghĩa là các doanh nghiệp thường không thể tuyển dụng đủ lao động họ cần.

Trên mặt trận đối ngoại, chính sách của Singapore cũng sẽ là “sự tiếp nối” nhưng sẽ có những điều chỉnh tình thế khi môi trường quốc tế và khu vực ngày càng trở nên khó đoán định trước tác động của đại dịch COVID-19, cũng như cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore, Phó Giáo sư Bilveer Singh thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định ưu tiên hàng đầu của Singapore vẫn là ASEAN, đặc biệt là các nước ven biển. Hai nước quan trọng nhất đối với Singapore là Indonesia và Malaysia, sau đó là tới Thái Lan, Việt Nam và Philippines.

Ngoài khối ASEAN, ưu tiên của Singapore là quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ở một mức độ nào đó là Ấn Độ. Quốc gia Nam Á đang ngày càng có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Singapore, nhất là trong lĩnh vực an ninh. Cuối cùng là Liên minh châu Âu (EU).

Về tổng thể, tất cả các mối quan hệ của Singapore sẽ vẫn tiếp tục được duy trì và thúc đẩy. Singapore là nước nhỏ, buộc phải xây dựng mối quan hệ tốt với càng nhiều nước càng tốt.

Theo ông Bilveer Singh, có thể thấy, do tình hình khó khăn hiện nay, chính sách đối ngoại của Singapore sẽ là chính sách đối ngoại kinh tế vì đó là sự sống còn.

Singapore: Những trọng điểm kinh tế-chính trị trong thời gian tới ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Singapore phải tìm kiếm những cơ hội kinh tế trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại thời gian tới, vừa để thu hút đầu tư, khôi phục kinh tế, vừa để bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu một lần nữa vượt ngoài tầm kiểm soát.

Việc Singapore chủ động thúc đẩy ký kết các thỏa thuận với nhiều nước nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và vật tư y tế, thậm chí nhập khẩu trứng gà từ Ba Lan, là ví dụ cụ thể.

Ngoài đại dịch COVID-19, đối đầu Mỹ-Trung có thể nói là một thách thức vô cùng lớn, tiềm ẩn tác động tới chính sách đối ngoại của Singapore thời gian tới.

Nước này đã và đang phải tiếp tục nỗ lực cân bằng, duy trì sách lược đối ngoại “dựa vào Mỹ về an ninh, tăng cường hợp tác với Trung Quốc về kinh tế,” song sẽ phải chịu sức ép lớn hơn, thậm chí phải lựa chọn giữa bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gia tăng về cường độ và phạm vi.

Sau chiến thắng của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền dưới sự dẫn dắt của ông Lý Hiển Long trong cuộc bầu cử ngày 10/7 vừa qua, Mỹ là một trong những nước đầu tiên gửi lời chúc mừng tới ông Lý Hiển Long trong ngày 11/7 vừa qua.

Tới ngày 14/7 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi điện chúc mừng ông Lý Hiển Long trong đó có đề cập rằng Trung Quốc sẽ hợp tác với Singapore “vượt qua những sự phân tâm” để bảo vệ ổn định khu vực.

Có thể nói, đối đầu Mỹ-Trung đã trở nên tồi tệ hơn với tốc độ nhanh hơn dự báo. Singapore sẽ cố gắng để không để bị đặt vào tình thế phải đưa ra lựa chọn.

Các nước khác cũng không nên đưa ra lựa chọn chừng nào vẫn còn có thể. Lựa chọn Mỹ hay Trung Quốc sẽ được quyết định bởi mỗi quốc gia, phụ thuộc vào những sáng kiến mà hai cường quốc sẽ đưa ra trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục