Ngày 26/9, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết đã kêu gọi các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thể hiện sự lãnh đạo và giao trách nhiệm của họ để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Bộ trưởng Vivian Balakrishnan đã kêu gọi hạn chế việc sử dụng quyền phủ quyết của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cho rằng hội đồng này cần được cải cách để giải quyết những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt trong “giai đoạn cực kỳ nguy hiểm.”
Ông Vivian Balakrishnan nhấn mạnh: “Xu hướng sử dụng quyền phủ quyết ngày càng tăng cho thấy chúng ta không thể để nhóm P5 (5 thành viên thường trực) tự nguyện thay đổi hành vi của họ.”
Trong một phiên thảo luận vào tháng Tư năm nay, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis nhấn mạnh trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng trên thế giới hiện nay, cùng với các cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn và mới nổi lên đòi hỏi hành động khẩn cấp và quyết đoán, việc sử dụng một cách không kiềm chế quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an không chỉ làm tê liệt chính cơ quan này mà còn cản trở Liên hợp quốc ứng phó hiệu quả với các vấn đề hòa bình và an ninh.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định nếu các nước không hành động, niềm tin của người dân đối với Liên hợp quốc sẽ ngày càng suy giảm vì mỗi khi quyền phủ quyết được sử dụng sẽ bị xem là thất bại của tập thể trong hành động.
Trong số 15 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an, có 5 quốc gia là thành viên thường trực có quyền phủ quyết là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga.
Quyền phủ quyết đã được các thành viên thường trực sử dụng gần 300 lần kể từ lần đầu tiên được đưa ra vào năm 1946.
Trước đó, nghị quyết do Liechtenstein đề xuất được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2022 yêu cầu các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ và Trung Quốc) khi sử dụng quyền phủ quyết đối với các quyết định của hội đồng này sẽ phải giải trình tại Đại hội đồng.
Nghị quyết này được coi là "bước đột phá đáng kể" để thu hút sự tham gia của toàn bộ các thành viên Liên hợp quốc vào những vấn đề này.
Theo số liệu tính đến tháng 4/2024, kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập, quyền phủ quyết đã được sử dụng 320 lần. Sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết do Liechtenstein đề xuất, quyền phủ quyết đã được sử dụng 13 lần./.
Đại Hội đồng Liên hợp quốc thảo luận việc sử dụng quyền phủ quyết tại HĐBA
Theo Chủ tịch ĐHĐ LHQ, việc sử dụng một cách không kiềm chế quyền phủ quyết không chỉ làm tê liệt chính cơ quan này mà còn cản trở LHQ ứng phó hiệu quả với các vấn đề hòa bình và an ninh.