Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên nước của Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định cần có sự hợp tác quốc tế để tạo áp lực pháp lý và thương mại trong việc giải quyết tình trạng khói mù vô cùng trầm trọng hiện nay.
Bộ trưởng Vivian Balakrishnan nhấn mạnh điều này sẽ ngăn chặn các công ty thu lợi nhuận từ đất và rừng một cách không bền vững, qua đó ngăn chặn suy thoái đất đai và mất đa dạng sinh học.
Phát biểu của Bộ trưởng Vivian Balakrishnan được đưa ra trong bối cảnh chất lượng không khí tại Singapore bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cháy rừng ở Indonesia trong hơn 3 tuần qua. Đỉnh điểm của đợt cháy rừng này là vào ngày 25/9, mức độ ô nhiễm không khí (PSI) tại Đảo quốc Sư tử đã lên tới trên 340 (mức độc hại) khiến tất cả các trường học phải đóng cửa.
Tình hình này buộc Singapore phải đơn phương tiến hành các hành động pháp lý chống lại 5 công ty được cho là liên quan đến các vụ cháy.
Trong khi đó tại Indonesia từ ngày 28-29/9 diễn ra cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu cùng Bộ trưởng Điều phối về chính trị, pháp lý và vấn đề an ninh Luhut Panjaitan của nước chủ nhà với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen thảo luận về tình hình khói mù. Phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen tái khẳng định các lực lượng vũ trang Singapore (SAF) sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực của Indonesia giảm khói bụi.
Tính đến nay, 127 điểm cháy rừng đã được phát hiện ở Sumatra, Indonesia. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khói mù dày đặc vẫn tiếp tục tồn tại ở miền Trung và Nam Sumatra, đồng thời một số đám mây mù đã tràn vào các vùng biển phía Nam của Singapore.
Ngày 28/9, Người phát ngôn Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Indonesia (BNPB) Sutopo Purwo Nugroho cho biết thời tiết khô hanh cùng với việc hạn chế cấp nước, thiết bị cũng như phạm vi các đám cháy lớn đang là những thách thức đối với lực lượng cứu hỏa; những đám cháy này vẫn có nguy cơ lan rộng và khó kiểm soát./.