Ngày 15/8, tại Diễn đàn Tài chính khu vực do ngân hàng OCBC tổ chức, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Lim Hug Kiang khẳng định hội nhập kinh tế khu vực là vấn đề cấp bách của Đảo quốc Sư tử và các thỏa thuận thương mại đa phương sẽ giúp quốc gia này tạo thêm được nhiều việc làm và nâng cao đời sống của người dân.
Phát biểu tại diễn đàn với sự tham dự của khoảng 400 lãnh đạo các tổng công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ và định chế tài chính của nhiều nước châu Á, Bộ trưởng Lim nhấn mạnh hội nhập hết sức hữu ích đối với các doanh nghiệp vì tự do thương mại sẽ giúp giảm chi phí, tăng năng suất lao động và hỗ trợ việc tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện Singapore đang tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với mục đích cải thiện việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Lim nêu rõ TPP và RCEP sẽ giúp ngành công nghiệp tài chính có nhiều cơ hội mới liên quan tới mở cửa thị trường trong khu vực, nhưng vẫn duy trì quyền của các định chế tài chính trong việc tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định và tính thống nhất của các thị trường tài chính.
Theo Bộ trưởng Lim, ngành tài chính, đóng góp 12% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore và sử dụng hơn 180.000 lao động chuyên môn, là thí dụ điển hình của việc nước này đã hưởng lợi từ hệ thống thương mại toàn cầu.
Có hơn 100 ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Singapore. Ông Lim nhận định TPP không chỉ liên quan tới các vấn đề thương mại truyền thống như loại bỏ thuế quan mà còn giúp giải quyết thách thức các doanh nghiệp đang phải đương đầu như luồng thông tin giữa các nước và khuôn khổ luật pháp liên quan tới hệ thống cung toàn cầu.
Các nước tham gia đàm phán đều đánh giá được tầm quan trọng chiến lược của các hiệp định nói trên cũng như những khó khăn từ quá trình cải cách.
Các quốc gia tham gia đàm phán TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đang tiến đến giai đoạn đàm phán then chốt.
Trong khi đó, 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sáu nước đối tác gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand tham gia đàm phán RCEP đã đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2015./.